Nền tảng thương mại điện tử thời trang nhanh Shein đến từ Trung Quốc đang bị nhiều thương hiệu lớn trên thế giới cáo buộc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thành lập vào năm 2008, Shein là sàn thương mại điện tử tập trung vào cung cấp quần áo thời trang cho phái nữ và trẻ em, chủ yếu là thế hệ Gen Z với giá rẻ và các mặt hàng bắt kịp xu hướng (trend). 

Số liệu từ AppAnnie cho thấy ứng dụng mua sắm Shein đã đứng đầu lượt tải trên cả App Store lẫn Play Store trong tháng 5. Công ty này đang được định giá 15 tỷ USD sau vòng gọi vốn gần nhất vào tháng 8/2020.

{keywords}
Ứng dụng mua sắm trực tuyến Shein đang thu hút rất nhiều người trẻ mua sắm online trong mùa dịch.

Nhưng một số thương hiệu lớn và nhỏ cáo buộc thành công của Shein là nhờ xâm phạm thương hiệu một cách “có chủ đích và có tính toán”.

AirWair International, nhà sản xuất của thương hiệu Dr. Martens đang kiện Shein vì bán các mẫu giày Martin cùng hơn 20 mẫu khác với mức giá chỉ bằng một phần nhỏ các mẫu giày của Dr. Martens.

Trong đơn kiện gửi lên tòa án ở California, AirWair cáo buộc Shein và site con Romwe không chỉ lấy các thiết kế mà còn dùng hình ảnh của Dr. Martens để dụ dỗ khách hàng vào website mua giày ‘dởm’.

Shein tất nhiên phủ nhận hoàn toàn mọi cáo buộc. Một buổi điều trần đã được lên lịch vào cuối năm nay.

Kikay, một thương hiệu bán khuyên tai ở Los Angeles, cũng mới phát hiện ra các thiết kế của hãng này được bán giá rẻ trên Shein.

Nhà đồng sáng lập của Kikay đăng tấm hình so sánh thiết kế hai bên lên Instagram và nhận được hơn 1.000 bình luận, chủ yếu đến từ các nhà thiết kế thời trang nhỏ lẻ cũng than phiền về việc gặp tình trạng tương tự.

Các nhà bán hàng online như Shein đã được hưởng lợi rất nhiều từ đại dịch Covid-19. Nhà phân tích Matthew Brennan trích dữ liệu từ SimilarWeb cho thấy Shein nằm trong nhóm website thời trang được truy cập nhiều nhất thế giới.

Sự phổ biến của Shein nhờ quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ giúp tạo ra các sản phẩm bắt trend với giá cực kỳ rẻ trong công đoạn gia công sản xuất chỉ tính bằng một vài ngày.

Lợi thế ở đây là nguyên liệu được cung cấp một cách mau chóng từ các nhà cung cấp nội địa nhưng Shein lại bán hàng ra khắp thế giới, ở trên 220 quốc gia, theo trang chủ công ty.

{keywords}
Một nhà thiết kế trẻ có tên Emma Warren tố Shein bày bán các mẫu áo nhái trắng trợn thiết kế của cô với giá rẻ mạt.

Vụ kiện của AirWair tương tự vụ việc xảy ra vào năm 2018, khi đó Shein bị Levi Strauss kiện vì sao chép mẫu Arcuate của đối thủ. Arcuate là thiết kế hoa văn trên túi sau của quần bò mà Levi đã đăng ký bảo hộ thương hiệu. Vụ kiện kết thúc với một thỏa thuận không được tiết lộ.

Đồng sáng lập Kikay cho biết đã nhận được lời nhắn xin lỗi từ Shein, hứa gỡ bỏ sản phẩm và không làm việc với nhà cung cấp bán sản phẩm nhái nữa. 

Tuy nhiên, tranh chấp thương hiệu giờ đã trở thành điều phổ biến ở lĩnh vực thời trang, nhà phân tích Web Smith cho biết.

“Chừng nào Shein còn khách hàng, họ xác định rằng việc bỏ thời gian và công sức để làm sản phẩm nhanh nhất có thể là xứng đáng, kể cả khi các sản phẩm đó vi phạm sở hữu trí tuệ”, ông kết luận. 

Phương Nguyễn (Theo Financial Times)

Chiêu trò dối trá trong ngành livestream ở Trung Quốc

Chiêu trò dối trá trong ngành livestream ở Trung Quốc

Các ngôi sao mạng được biết đến là những gương mặt hái ra tiền trong các buổi livestream bán hàng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, con số thực tế có thể chỉ rất ít ỏi.