Sẽ thành lập Liên minh phòng chống mã độc và xử lý tấn công mạng Việt Nam trong năm 2019 | Sắp công bố các sản phẩm phòng chống mã độc khuyến nghị cơ quan nhà nước sử dụng

Phó Cục trưởng Cục ATTT Nguyễn Huy Dũng cho hay trong năm nay Cục sẽ đánh giá, xác nhận những sản phẩm, dịch vụ ATTT Việt Nam tốt để khuyến cáo sử dụng (Ảnh minh họa)

Thông tin về tình hình mã độc và tấn công mạng tại Việt Nam trong năm qua, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT được tổ chức ngày 15-16/1, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (ATTT) Nguyễn Huy Dũng cho biết, năm 2018, Việt Nam thường được xếp vào các bảng xếp hạng ngược về lây nhiễm mã độc, phát tán thư rác, lừa đảo trực tuyến. Báo chí đưa tin về lộ lọt thông tin người dùng, thay đổi giao diện trang web.

“Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng. Phần chìm của tảng băng, những mối nguy hại lớn hơn nhiều là các mã độc tinh vi, ẩn sâu trong các chiến dịch tấn công có chủ đích. Các cuộc tấn công này thường được hậu thuẫn bởi nguồn tài chính dồi dào, trình độ cao, có nhiệm vụ xâm nhập vào sâu, lan rộng trong hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước nhằm mục đích gián điệp, phá hoại”, ông Dũng chia sẻ.

Cho biết các cuộc tấn công mạng kể trên thường được hậu thuẫn và có chiến lược rất dài, thậm chí có thể được tính bằng thập kỷ, vị Phó Cục trưởng Cục ATTT cũng cho hay, trong năm ngoái, Cục đã giám sát và hỗ trợ nhiều cơ quan, tổ chức ở Việt Nam xử lý các sự cố. Theo đó, nhiều cơ quan, tổ chức Việt Nam hiện đang sử dụng các giải pháp đắt tiền của nước ngoài, của thế giới nhưng vẫn là nạn nhân của các cuộc tấn công nói trên.

Nhấn mạnh việc sử dụng sản phẩm của Việt Nam chính là góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển thịnh vượng hơn, đại diện Cục ATTT còn chỉ rõ: “Việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ATTT của người Việt có thể phát hiện ra các tấn công có chủ đích mà các sản phẩm nước ngoài không phát hiện được. Điểm mạnh của sản phẩm của người Việt được phát huy hiệu quả tốt hơn, cập nhật nhanh hơn, cũng giống như kinh nghiệm thuốc Nam cho người Nam mà ông cha ta đã đúc kết”.

Đáng chú ý, cũng trong tham luận tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục ATTT Nguyễn Huy Dũng cho hay trong năm nay Cục sẽ đánh giá, xác nhận những sản phẩm, dịch vụ ATTT Việt Nam tốt để khuyến cáo sử dụng.

Cụ thể, trước tiên trong quý I/2019, Cục ATTT sẽ đánh giá, công bố các sản phẩm phòng chống phần mềm độc hại (gọi tắt là mã độc) đáp ứng yêu cầu sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước. Trong Quý II/2019, sẽ tiếp tục đánh giá, công bố các sản phẩm trình duyệt web; và trong các quý III và IV năm nay, Cục cũng sẽ tiến hành đánh giá, công bố lần lượt các nhóm sản phẩm khác.

Liên minh phòng chống mã độc và xử lý tấn công mạng Việt Nam dự kiến sẽ được ra mắt trong năm 2019, với sự tham gia của các doanh nghiệp ATTT trong nước, các nhà mạng, dưới sự điều phối chung của Bộ TT&TT để sẵn sàng chuyên gia, công cụ hỗ trợ tốt nhất cho các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, Cục ATTT dự kiến sẽ định kỳ công bố tỷ lệ lây nhiễm mã độc, cảnh báo nguy cơ tấn công mạng vào hệ thống của các cơ quan Đảng, Nhà nước. “Trong vấn đề này, Cục ATTT sẽ tham mưu để Lãnh đạo Bộ TT&TT trực tiếp ký văn bản gửi, báo cáo Thủ tướng, gửi Lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố hàng tháng về việc này”, đại diện Cục ATTT chia sẻ.

Ở góc độ của doanh nghiệp, từ kinh nghiệm của đơn vị đang là thành viên trong Ban giám đốc của AVAR - Liên minh phòng chống mã độc châu Á, Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh, sáng kiến thành lập Liên minh phòng chống mã độc cấp quốc gia – không chỉ là các cơ quan, đơn vị nhà nước mà còn bao gồm hầu hết các chuyên gia an ninh mạng hàng đầu của Việt Nam.

Đề cập giải pháp giúp đưa Việt Nam ra khỏi nhóm các nước có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại cao trên thế giới, người đứng đầu CMC cho rằng, Việt Nam cần phải xây dựng chính sách an toàn, an ninh mạng toàn dân, áp dụng tinh thần “chiến tranh nhân dân” để triển khai đảm bảo ATTT.

“Tất cả các thành phần trong xã hội, từ Chính phủ, đến doanh nghiệp và người dân sử dụng Internet đều cần phải chung tay bảo đảm an ninh, ATTT bằng những hành động cụ thể như: không sử dụng phần mềm bẻ khóa, lậu; bảo vệ chính mình trước tiên, nếu không đủ khả năng có thể tìm đến các đơn vị chức năng hoặc làm theo chỉ dẫn của các đơn vị có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục bảo mật cộng đồng; kết hợp khối nhà nước - doanh nghiệp để chung tay tìm, xử lý, dọn mã độc trên diện rộng; các đơn vị có năng lực về bảo mật tham gia các dự án vì cộng đồng, tuyên truyền, đào tạo bộ phận còn lại để tăng nhận thức về an ninh, ATTT”, đại diện CMC đề xuất.