Bộ Thương mại Mỹ cho biết đã thêm Học viện Công nghệ điện toán Vô Tích và Sugon cùng 3 công ty khác có liên hệ với Sugon vào “Entity List”. Entity List là danh sách bao gồm các tổ chức, cá nhân bị cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia. Lệnh cấm có hiệu lực từ hôm nay (24/6).

Theo Bộ Thương mại Mỹ, các công ty sử dụng siêu máy tính và linh kiện cho mục đích quốc phòng, hạt nhân. Doanh nghiệp Mỹ không được xuất khẩu linh kiện cho 5 công ty trên mà không có giấy phép đặc biệt. Hạn chế này tương tự với hạn chế mà Mỹ áp đặt lên Huawei gần đây.

Sugon là nhà cung ứng trung tâm dữ liệu và siêu máy tính quan trọng tại Trung Quốc, là một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Trên website, Sugon nói họ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho nghiên cứu khoa học cơ bản, thiết bị khoa học quan trọng và phát triển công nghiệp cho Trung Quốc. Để làm được điều đó, họ phải mua linh kiện từ các công ty Mỹ như Intel, Nvidia và AMD.

AMD chắc chắn tổn thất không nhỏ bởi quyết định của chính phủ Mỹ.

Năm 2016, AMD liên doanh với một công ty Trung Quốc, hình thành hai tổ chức độc lập, đều có tên trong danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ. Đó là  Chengdu Haiguang Integrated Circuit và Chengdu Haiguang Microelectronics Technology. AMD nắm giữ phần lớn cổ phần trong một công ty.

AMD cấp phép sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ của công nghệ microchip cho các công ty này để họ dùng để phát triển chip cho máy chủ bán tại Trung Quốc. Các con chip và máy chủ đóng góp lớn vào nỗ lực Make In China 2025 được Trung Quốc tuyên bố năm 2015, ưu tiên sản xuất mặt hàng công nghệ cao trong nước.

Năm 2018, AMD kiếm được 86 triệu USD từ việc cấp phép tài sản sở hữu trí tuệ nhờ vào thỏa thuận này. Không rõ liên doanh bị ảnh hưởng ra sao trước quyết định của Bộ Thương mại Mỹ. Người phát ngôn công ty cho biết họ sẽ tuân thủ quy định của chính phủ và đang đánh giá lại lệnh cấm để xác định bước đi tiếp theo.

Mỹ và Trung Quốc trong trận chiến chiếm thế thượng phong về siêu máy tính từ nhiều năm nay. Mỹ luôn nhấn mạnh sở hữu siêu máy tính mạnh nhất thế giới vô cùng quan trọng với an ninh quốc gia. Siêu máy tính không chỉ dùng trong nghiên cứu khoa học như điều trị y tế, dự báo thời tiết mà còn ứng dụng trong quân sự, hạt nhân.

Bộ Năng lượng Mỹ giữ siêu máy tính nhanh nhất thế giới tại thư viện quốc gia Oak Ridge, Tennessee. Nó có tên Summit, có khả năng xử lý 1 triệu tỷ phép toán mỗi giây, nhanh hơn 30.000 lần so với iPhone XS.

Mỹ giật danh hiệu siêu máy tính nhanh nhất thế giới từ tay Trung Quốc tháng 6/2018. Trung Quốc giữ vị trí số 1 từ tháng 11/2013 đến tháng 6/2018. Trước khoảng thời gian này, Mỹ liên tục dẫn đầu.

Trong số 500 siêu máy tính nhanh nhất, Trung Quốc nắm giữ nhiều nhất với 219 máy. Mỹ chỉ có 116/500. Dù vậy, siêu máy tính của Mỹ lại nắm 38,4% năng lực siêu điện toán. Chỉ riêng 2 siêu máy tính đứng đầu bảng đã đại diện cho 15,6% năng lực siêu điện toán. Trung Quốc trong khi đó nắm chưa tới 30% sức mạnh.