Bộ TT&TT đã công nhận giải pháp phòng chống mã độc của Bkav, Viettel, CMC, Verimine đáp ứng yêu cầu kỹ thuật | Thêm 2 giải pháp phòng chống mã độc được công nhận đáp ứng yêu cầu kỹ thuật | 4 phần mềm diệt virus được công nhận đáp ứng yêu cầu kỹ thuật

Giải pháp phòng chống mã độc tập trung CMC Malware Detection and Defence là 1 trong 2 sản phẩm mới được bổ sung vào Danh mục sản phẩm phòng, chống phần mềm độc hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo Chỉ thị 14 (Ảnh minh họa: cmc.com.vn)

Bộ TT&TT vừa cập nhật Danh mục sản phẩm phòng, chống phần mềm độc hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo Chỉ thị 14 ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại (gọi tắt là mã độc).

Theo đó, có 2 sản phẩm phòng, chống mã độc của 2 doanh nghiệp vừa được Bộ TT&TT đánh giá và bổ sung vào Danh mục nêu trên, bao gồm: giải pháp phòng chống mã độc tập trung CMC Malware Detection and Defence (CMDD) của Công ty TNHH An ninh An toàn thông tin CMC (CMC Cyber Security) và bộ giải pháp Veramine Advanced Endpoint Security Suite (VAESS), bộ giải pháp phát hiện, ứng phó và phòng thủ chủ động với các mối đe dọa trên các điểm cuối trong hệ thống mạng (bao gồm các máy chủ, máy trạm) của Công ty Veramine.

Đầu năm nay, Bộ TT&TT đã đánh giá và công nhận 2 sản phẩm phòng, chống phần mềm độc hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: giải pháp tổng thể phòng chống virus cho các cơ quan, doanh nghiệp Bkav Endpoint AI của Công ty cổ phần phần mềm diệt virus Bkav; giải pháp phát hiện, chống tấn công có chủ đích lớp Endpoint (Viettel Endpoint Detection & Response - VEDR) của Công ty An ninh mạng Viettel thuộc Tập đoàn Viettel.

Sản phẩm phòng chống mã độc của Viettel, Bkav, CMC và Veramine đã được Bộ TT&TT đánh giá và cấp chứng nhận đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo Chỉ thị 14 là những sản phẩm, giải pháp thỏa mãn các tiêu chí đã được nêu rõ tại Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại, đó là: có chức năng cho phép quản trị tập trung; có dịch vụ, giải pháp hỗ trợ kỹ thuật 24/7, có khả năng phản ứng kịp thời trong việc phát hiện, phân tích, gỡ bỏ phần mềm độc hại; có thể chia sẻ thông tin, dữ liệu thống kê tình hình lây nhiễm mã độc với hệ thống kỹ thuật của cơ quan chức năng có thẩm quyền, tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ TT&TT.

Với CMC Malware Detection and Defense, một trong 2 sản phẩm phòng, chống mã độc mới được bổ sung vào Danh mục, CMC cho biết, giải pháp này được phát triển trên nền tảng của CMC Internet Security Enterprise (CISE) và là giải pháp hỗ trợ các cơ quan, tổ chức phát hiện và phòng thủ trước nguy cơ tấn công mã độc triển khai trên các máy trạm với hệ thống giám sát tập trung. Cụ thể, giải pháp có các tính năng nổi bật như: làm lá chắn bảo vệ các máy tính cá nhân an toàn khỏi các nguy cơ tấn công từ mã độc; giám sát các hoạt động bất thường có thể gây ra nguy hại trên các máy tính; phát hiện các lỗ hổng, các phần mềm độc hại và các kết nối nguy hiểm.

Đồng thời, hệ thống giám sát chủ động từ phía CMC Cyber Security cho phép xác định và khoanh vùng ngay các nguy cơ cho khách hàng; dịch vụ hỗ trợ, ứng cứu giảm thiểu các rủi ro cho khách hàng khi xảy ra các cuộc tấn công; cung cấp các báo cáo về tình trạng an ninh an toàn thông tin cho khách hàng nhanh chóng, kịp thời và đầy đủ.

Còn với bộ giải pháp Veramine Advanced Endpoint Security Suite (VAESS) của Công ty Veramine, thông tin từ Cyberlab – đơn vị phân phối bộ giải pháp này tại Việt Nam cho hay, VAESS có khả năng thu thập thông tin đa dạng từ mức nhân hệ điều hành đến các phiên làm việc của người dùng để xác định mọi hành vi đáng ngờ trên các điểm cuối.

Bộ giải pháp này cũng sử dụng nhiều cơ chế linh hoạt để ứng phó với các hành vi bất thường đã phát hiện được như ngắt, tạm dừng các tiến trình, phiên làm việc hay cách ly một điểm cuối, một tiến trình khỏi kết nối mạng; thực hiện việc phòng thủ chủ động bằng cách tạo ra một hệ thống bẫy đối với mã độc và các tin tặc trên các điểm cuối nhằm mục đích theo dõi và ngăn chặn các hoạt động của tin tặc, mã độc trên các điểm cuối này.

Bên cạnh đó, VAESS đảm bảo khả năng cung cấp đầy đủ các bằng chứng trong quá trình điều tra số (forensics), cũng như bổ sung các tính năng nâng cao khác để chống lại các mối đe dọa từ nội bộ như quản lý người dùng, dữ liệu và thiết bị ngoại vi.

Đặc biệt, VAESS hỗ trợ đa dạng các nền tảng khác nhau trong đó bao gồm các phiên bản hệ điều hành Windows, các bản phân phối Linux và sẽ sớm được hỗ trợ trên hệ điều hành MacOS.