Xây dựng Mạng lưới ứng cứu sự cố ATTT mạng quốc gia mạnh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 1622 phê duyệt Đề án đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố, tăng cường năng lực cho các cán bộ, bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố an toàn thông tin (ATTT) mạng trên toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến 2025.

Theo Đề án này, định hướng đến năm 2025 xây dựng Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) - Cơ quan điều phối quốc gia về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng (Cơ quan điều phối quốc gia) thành một đơn vị mạnh, chuyên nghiệp, có năng lực về nhân sự, kỹ thuật, công nghệ để quản lý tình hình sự cố ATTT mạng trên toàn quốc, phản ứng nhanh, điều phối ứng cứu kịp thời, hiệu quả, sẵn sàng hỗ trợ xử lý các sự cố nghiêm trọng, làm nòng cốt tổ chức triển khai công tác thực thi đảm bảo ATTT mạng của quốc gia.

Xây dựng Mạng lưới ứng cứu sự cố ATTT mạng quốc gia (Mạng lưới ứng cứu sự cố) mạnh về chuyên môn, hoạt động chuyên nghiệp, gắn kết, với các đơn vị thành viên có trách nhiệm, hợp tác, kết nối chặt chẽ, đảm bảo điều phối kịp thời, phối hợp đồng bộ, hiệu quả các lực lượng để ứng cứu sự cố mạng, chống tấn công mạng.

Xây dựng các đơn vị, bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố, bảo đảm ATTT mạng của các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổ chức, doanh nghiệp lớn có năng lực chuyên môn cao, hoạt động chuyên nghiệp, tổ chức phòng ngừa hiệu quả, sẵn sàng phản ứng nhanh, ứng phó xử lý kịp thời các sự cố, tấn công mạng.

Đồng thời, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhân lực, chuyên gia ứng cứu sự cố, đảm bảo ATTT mạng thuộc các thành viên mạng lưới có kiến thức chuyên môn, kỹ thuật cao, khả năng nghiên cứu, phân tích, nắm vững nghiệp vụ, có kỷ luật, tuân thủ quy trình, sẵn sàng ứng phó nhanh, xử lý chính xác, kịp thời với các loại sự cố, tấn công mạng.

Đề án cũng đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là nâng cao năng lực của Cơ quan điều phối quốc gia thông qua việc xây dựng các quy trình, nghiệp vụ quản lý, điều phối; đầu tư các hệ thống nhằm chủ động theo dõi, thu thập thông tin sự cố; hệ thống tiếp nhận, lưu giữ và xử lý thông tin sự cố; tăng cường khả năng điều hành và chia sẻ thông tin sự cố; nâng cao năng lực theo dõi, thu thập, phân tích, phát hiện sự cố và điều phối, ứng cứu sự cố trên toàn mạng lưới; đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ứng cứu sự cố bảo đảm ATTT mạng…

Nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự điều phối, ứng cứu sự cố

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Đề án cũng quy định cụ thể 7 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, bao gồm: Nâng cao năng lực hoạt động của Cơ quan điều phối quốc gia; Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mạng lưới ứng cứu sự cố; Tăng cường hoạt động theo dõi, thu thập, phân tích, xác minh, đánh giá nguy cơ nhằm phát hiện sớm và cảnh báo kịp thời các sự cố ATTT mạng; Tổ chức các chương trình diễn tập ứng cứu sự cố, phòng ngừa tấn công mạng; Phát triển lực lượng và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực ứng cứu sự cố, bảo đảm ATTT mạng; Tăng cường năng lực và tổ chức hoạt động cho các đơn vị, bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố trên toàn quốc; Xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhắm chuẩn hóa quy trình, dự phòng rủi ro, bảo vệ ATTT mạng.

Triển khai nhiệm vụ phát triển lực lượng và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực ứng cứu sự cố, bảo đảm ATTT mạng, theo Đề án, thời gian tới, sẽ tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo, sát hạch cấp chứng chỉ kỹ năng, kỹ thuật cho lực lượng điều phối, ứng cứu sự cố, bảo đảm ATTT mạng bao gồm: đào tạo về nghiệp vụ điều phối, ứng cứu, phân tích, điều tra về nguy cơ, sự cố; đào tạo về kỹ thuật công nghệ ATTT mạng; đào tạo cập nhật về các phương thức, thủ đoạn tấn công, lừa đảo qua mạng.

Cùng với đó, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao trình độ, nghiệp vụ, tăng cường nhận thức, phổ biến kiến thức liên quan gồm đào tạo về quy trình, quản lý rủi ro, chuẩn quốc tế về ATTT mạng; đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ chuyên ngành, kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp và đào tạo khác liên quan cho các cơ quan nhà nước và các thành viên Mạng lưới ứng cứu sự cố.

Xây dựng, phát triển đội ngũ nhân lực kết hợp thuê nhân lực trình độ cao, tổ chức, duy trì hoạt động các nhóm, tổ chuyên gia phân tích, ứng cứu sự cố, các đội ứng cứu sự cố bảo đảm ATTT mạng; tổ chức và duy trì các diễn đàn về ATTT mạng. Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, yêu cầu và chứng chỉ kỹ năng, chương trình đào tạo cần thiết đối với chức danh chuyên gia giám sát, điều phối, ứng cứu, phân tích, phân loại, điều tra về nguy cơ, sự cố, mã độc và chuyên gia kỹ thuật khác về ATTT.

Đặc biệt, Đề án cũng nêu rõ, sẽ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế đặc thù và chính sách ưu đãi nhằm thu hút, nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự làm công tác điều phối, ứng cứu sự cố, bảo đảm ATTT mạng của Mạng lưới ứng cứu sự cố và Cơ quan điều phối quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai, đôn đốc thực hiện, kiểm tra và định kỳ tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung của Quyết định trong trường hợp cần thiết.

Bộ TT&TT chịu trách nhiệm thành lập Ban điều hành để điều phối, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai Quyết định 1622 do lãnh đạo Bộ TT&TT làm Trưởng ban và cơ quan thường trực của Ban Điều hành là Cơ quan điều phối quốc gia; chủ trì tổ chức triển khai các nội dung, nhiệm vụ thuộc Quyết định 1622 ở cấp quốc gia.

Bộ TT&TT còn được giao chủ trì xây dựng và phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan đển triển khai các phương án, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp bảo đảm ATTT mạng quốc gia; tăng cường thông tin, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATTT mạng và giáo dục, nâng cao nhận thức về điều phối, ứng cứu sự cố, phòng, chống tấn công, lừa đảo qua mạng.