Nhận định trên được ông Alan Ho - Giám đốc Marketing TIBCO Software khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản chia sẻ với báo chí bên lề lễ công bố kế hoạch hợp tác giữa Công ty phần mềm này với Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội để phát triển năng lực, kiến thức phân tích dữ liệu cho sinh viên CNTT tại Việt Nam.

Sếp Công ty phần mềm Mỹ: Chất lượng nhân sự CNTT Việt không thua kém các nước trong khu vực

Ông Alan Ho - Giám đốc Marketing TIBCO Software khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản.

Minh chứng cho nhận định của mình về chất lượng nhân sự CNTT Việt Nam, ông Alan Ho lý giải, nhìn vào các số liệu về đầu tư của các công ty phần mềm, doanh nghiệp công nghệ nước ngoài vào Việt Nam cũng như việc Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất khu vực châu Á, có thể thấy rằng “khả năng, kiến thức, các kỹ năng của các kỹ sư CNTT Việt Nam không hề thua kém gì nhân lực CNTT tại các nước khác trong khu vực”.

Tuy nhiên, vị Giám đốc Marketing của TIBCO Software khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản cũng thẳng thắn chỉ rõ, điểm duy nhất ông nghĩ là nhân lực CNTT Việt Nam còn hạn chế, chính là rào cản về ngôn ngữ. Theo ông, các kỹ sư CNTT Việt Nam cần quan tâm đến việc phát triển thêm về khả năng ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh.

Trước đó, hồi cuối năm ngoái, khi đánh giá về chất lượng nhân lực CNTT Việt Nam, ông Piere Bonnet, Nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc vận hành Orchestra Networks, Giám đốc điều hành Orchestra Networks Việt Nam – doanh nghiệp phần mềm Pháp đã có gần 20 năm kinh nghiệm cung cấp giải pháp quản trị dữ liệu và đã có 2 năm hiện diện tại thị trường Việt Nam, cũng cho rằng trình độ của kỹ sư CNTT Việt Nam không thua thế giới trong khi mức lương thì thấp hơn. Theo ông, đây là một trong những lý do những năm gần đây thị trường Việt Nam thu hút sự tham gia của nhiều công ty công nghệ nước ngoài.

“Các kỹ sư công nghệ của Orchestra Networks Việt Nam có trình độ tương đương với các kỹ sư của Orchestra Networks tại Pháp trong khi đó mức lương của họ thì thấp hơn. Chất lượng đội ngũ kỹ sư chính là lý do khiến chúng tôi chọn Việt Nam là quốc gia bên ngoài nước Pháp để thiết lập bộ phận nghiên cứu phát triển”, ông Piere Bonnet chia sẻ.

Sếp Công ty phần mềm Mỹ: Chất lượng nhân sự CNTT Việt không thua kém các nước trong khu vực

Theo đại diện Công ty phần mềm Pháp Orchestra Networks, các kỹ sư công nghệ của Orchestra Networks Việt Nam có trình độ tương đương với các kỹ sư của Orchestra Networks tại Pháp.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, trong trao đổi tại tại tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT (ICT) trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp” diễn ra cuối tháng 3/2019, PGS.TS. Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay, nhìn ở bức tranh toàn cảnh, mặc dù CNTT là một trong những ngành ưu tiên của Việt Nam, trong 5 năm qua đã có sự gia tăng đáng kể cả về số lượng doanh nghiệp cũng như số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp ICT; song xét về cơ cấu lao động ICT Việt Nam, phân khúc lao động có trình độ chuyên môn cao, lao động có chuyên môn kỹ thuật vẫn còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ bé so với lao động giản đơn.

Theo PGS.TS. Trần Thị Thái Hà, hạn chế hiện nay với các trường đại học trong đào tạo ICT là chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu trong khi sinh viên cũng còn thụ động, không chỉ lúng túng trong chọn trường mà còn khó tìm việc và chưa sẵn sàng tâm thế cho tương lai. Thực tế này khiến cho các doanh nghiệp thiếu lao động có kỹ năng phù hợp.

“Để có thể chuẩn bị được nguồn nhân lực ICT sẵn sàng cho tương lai, chúng tôi cho rằng các trường đào tạo ICT cần đổi mới các nội dung dạy và học, dạy-học dựa trên năng lực, phát triển các kỹ năng của thế kỷ 21, phát triển các nội dung chương trình mới như IT Security, Media Technologist, Data Analyst...

Bên cạnh đó, phương pháp dạy - học cũng phải chú trọng tới thực hành là chính, dạy tại doanh nghiệp/phòng thí nghiệp và phải tiếp cận với những đòi hỏi mới của thị trường, đồng thời đổi mới đánh giá dựa vào hồ sơ năng lực”, PGS.TS. Trần Thị Thái Hà đề xuất.

Đề cập đến tình trạng thiếu nhân lực trong ngành CNTT, Giám đốc Marketing Tibco Software khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản Alan Ho cho biết: “Theo đánh giá của tôi, việc thiếu nhân sự trong ngành CNTT là một thực tế không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn bộ khu vực châu Á. Ngoài ra, có một thực tế là nhiều kỹ sư CNTT Việt Nam sau khi học xong, không ở lại Việt Nam mà di chuyển sang các nước khác trong khu vực để học hỏi thêm, hoặc làm việc”.

Chia sẻ thêm về hợp tác mới giữa TIBCO Software và Viện IFI mới được công bố ngày 24/4 vừa qua, ông Alan Ho nhấn mạnh hợp tác này mang lại lợi ích cho cả 2 bên. Trong đó, thông qua khuôn khổ hợp tác với IFI, TIBCO Software sẽ mang đến cho các sinh viên Việt Nam những công nghệ, sản phẩm, công cụ mới nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực phân tích dữ liệu – một lĩnh vực còn rất mới và còn thiếu ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hợp tác giữa TIBCO Software và Viện IFI còn giúp các sinh viên CNTT Việt Nam tiếp cận được với các chuyên gia trong ngành. Thêm vào đó, các sinh viên cũng sẽ có cơ hội làm việc không chỉ tại TIBCO Software mà cả với những công ty đối tác, khách hàng của TIBCO Software.

Cho biết TIBCO Software cũng rất quan tâm hợp tác với các trường đại học khác tại Việt Nam, ông Alan Ho lý giải: “Mục đích hợp tác của chúng tôi không giới hạn ở việc nâng cao kỹ năng cho các kỹ sư CNTT, đào tạo ra những nhà khoa học dữ liệu. Điều mà chúng tôi thực sự mong muốn là các sinh viên – không chỉ sinh viên kỹ thuật mà cả những sinh viên học về tài chính, quản trị hay bất cứ ngành nghề nào khác, sẽ trở thành những người ý thức được tầm quan trọng của dữ liệu, biết cách quản lý nó như thế nào, từ đó áp dụng hiệu quả vào công việc sau khi tốt nghiệp”.