Ông Nguyễn Mạnh Bằng, Tổng Giám đốc DZS Việt Nam cho biết, để thuyết phục các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, công ty sẽ phải hiểu khó khăn và bài toán của từng doanh nghiệp vừa và nhỏ để “may đo” giải pháp hỗ trợ tốt nhất.

Công ty DASAN Zhone Solutions Việt Nam (DZS Việt Nam) là nhà cung các giải pháp mạng cáp quang hàng đầu thế giới, nhưng sao các ông lại nhảy sang cung cấp giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi số?

Công nghệ hạ tầng mạng trước nền công nghiệp 4.0 là công nghệ truyền thống cũ. Tuy nhiên, khi bước vào nền công nghiệp 4.0, có thể nó vẫn đáp ứng được một phần nào đấy nhưng trong 1 đến 2 năm sắp tới, hạ tầng mạng truyền thống sẽ không còn đáp ứng được.

Bên cạnh đó, bây giờ là lúc Việt Nam cần đầu tư mới, cần thay đổi hạ tầng truyền thống cũ. Hạ tầng ở đây bao gồm hạ tầng truyền dẫn, hạ tầng thiết bị và khi nói về mạng cáp quang thụ động, chúng ta sẽ nói theo hướng chuyển đổi có lợi cho môi trường.

DZS Việt Nam muốn hỗ trợ khách hàng để giúp họ nhìn nhận được và đi theo suy nghĩ này. Nếu kịp thời chuyển đổi hạ tầng mạng cáp quang bây giờ, thì ít nhất 10-20 năm tiếp sau chúng ta mới phải nghĩ đến việc đầu tư hạ tầng tiếp. Do đó chúng tôi thấy cần phải chuyển đổi hạ tầng trước. Quan trọng là phải kế thừa, chứ không phải thay đổi hạ tầng mạng.  

Vì vậy, DZS Việt Nam đem đến công nghệ FiberLAN™, một xu hướng đổi mới và sáng tạo trong hệ thống hạ tầng viễn thông, điều kiện thiết yếu cho tiến trình chuyển đổi số trong các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Xu hướng chuyển đổi số bắt đầu manhh mẽ tại Việt Nam và nó sẽ là câu chuyện sống còn của doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0. Nhưng sao DZS Việt Nam lại nhắm đến giải pháp chuyển đổi số phục vụ nhóm khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm khoảng 97% tổng số các doanh nghiệp. Họ là một phần rất lớn và đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế nói chung và nền kinh tế số trong tương lai nói riêng. Các doanh nghiệp lớn như các tổ chức viễn thông hay CNTT đã có đội ngũ nhân lực CNTT, do đó họ có chiến lược và ngân sách cho CNTT rõ ràng, họ sẽ chủ động tiên phong trong chuyển đổi số. Còn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ thiếu đội ngũ nhân lực CNTT chuyên trách, do đó họ thiếu chiến lược, kế hoạch và ngân sách CNTT. Họ có vẻ đang khá lúng túng không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào để bắt kịp chuyển đổi số, kịp thời đem lại những giá trị mới cho khách hàng, và thúc đẩy phát triển kinh doanh.

Ngoài ra, vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô nhân lực hạn chế, nên nguồn nhân lực chủ yếu sẽ tập trung cho các mảng kinh doanh chính để tạo ra sự cạnh tranh cho doanh nghiệp. Họ sẽ phải tận dụng lợi thế của công nghệ rất nhiều, ví dụ như Cloud, Big Data, AI, thậm chí có những doanh nghiệp thuê ngoài mảng CNTT. Do đó, nền tảng hạ tầng mạng phải rất ổn định và an toàn.

DZS Việt Nam đem đến công nghệ FiberLAN™, một xu hướng đổi mới và sáng tạo trong hệ thống hạ tầng viễn thông, điều kiện thiết yếu cho tiến trình chuyển đổi số trong các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

DZS Việt Nam là thương hiệu quen thuộc trong các nhà mạng viễn thông, nhưng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có lẽ là một cái tên mới. Vậy DZS Việt Nam sẽ tiếp cận đối tượng khách hàng này như thế nào?

Đối với các doanh nghiệp lớn, họ có trình độ và kỹ năng về CNTT chuyên sâu, họ sẽ nắm bắt rất rõ xu hướng công nghệ để triển khai. Còn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều họ cần bây giờ là những câu chuyện thành công.

Chúng tôi đã triển khai công nghệ hạ tầng mạng cáp quang cho nhiều doanh nghiệp trên thế giới, từ khối chính phủ, khách sạn resort, các nhà máy sản xuất, các trường đại học, các cơ sở y tế… Chúng tôi đã có rất nhiều các mô hình thành công trên thế giới, như thành phố Đài Bắc đã triển khai thành công hạ tầng mạng cáp quang của chúng tôi để xây dựng thành phố thông minh hơn; trường Đại học Washington State của Mỹ cũng đã thay toàn bộ hệ thống cáp đồng truyền thống bằng cáp quang của Dasan để nâng cao tốc độ và trải nghiệm học tập trực tuyến cho gần 30.000 sinh viên trên thế giới mỗi năm… Và tại Việt Nam, chúng tôi cũng đang hợp tác với nhiều doanh nghiệp, thuộc các lĩnh vực khác nhau để triển khai cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện trực tiếp học tập và tham khảo.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số, chúng tôi không mơ làm lớn, mà chỉ tập trung hết sức giải quyết cho mỗi doanh nghiệp được bài toán của họ: đơn giản, bảo mật, hiệu quả về mặt chi phí, và đặc biệt là đảm bảo được sự tương thích về công nghệ trong thời gian dài. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có thể yên tâm về mặt hạ tầng để có thể tập trung nguồn lực và ngân sách cho chuyển đổi các ứng dụng kinh doanh cốt lõi của họ.

Hơn nữa, chúng tôi có trung tâm R&D tại Hà Nội- một trong 5 trung tâm R&D của tập đoàn trên thế giới. Các kỹ sư R&D của chúng tôi là người Việt Nam, kế thừa các công nghệ tiên tiến nhất từ các trung tâm R&D của tập đoàn tại Mỹ và Hàn Quốc, nghiên cứu phát triển các giải pháp “may đo” cho đúng nhu cầu và bài toán của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, để thuyết phục các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, chúng tôi sẽ cần phải hiểu khó khăn và bài toán của từng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mỗi doanh nghiệp sẽ có quy mô, nguồn lực, ngân sách và chiến lược khác nhau, từ đó mà tiến trình chuyển đổi số của họ cũng sẽ khác nhau. Quan trọng là tự tin hiểu được điều họ đang cần là gì, từ đó đưa ra những lời giải sát thực nhất cho từng doanh nghiệp. Không lời giải nào giống lời giải nào, khối chính phủ khác với trường đại học, bệnh viện khác với các khu khách sạn hay nhà máy sản xuất.

DZS Việt Nam nhìn nhận thế nào về quy mô và thị trường chuyển đổi số của Việt Nam?

Trong những năm tới, DZS Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục cung cấp giải pháp và thiết bị đảm bảo an toàn bảo mật cho các nhà mạng viễn thông và các nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn. Đó là mảng kinh doanh chính. Với cam kết đầu tư hỗ trợ phát triển hệ thống mạng cáp quang tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, DZS Việt Nam mong muốn góp phần xây dựng nền kinh tế số cho Việt Nam. Đối với phân khúc thị trường các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tôi tin rằng chỉ một đến hai năm nữa sẽ là thời điểm bùng nổ chuyển đổi số.  

Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển đội ngũ R&D tại Việt Nam, tập trung vào nghiên cứu công nghệ và giải pháp, đặc biệt là những công nghệ và giải pháp phù hợp cho thị trường Việt Nam. Thứ hai là hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, đẩy mạnh hơn nữa kế hoạch sản xuất các thiết bị “Make in Việt Nam”- do người Việt Nam, làm tại Việt Nam để đảm bảo mức độ an toàn bảo mật thông tin mạng.

Cảm ơn ông!