Thưa ông, được biết vừa qua Meta (trước đây là Facebook) kết hợp với công ty tư vấn hàng đầu thế giới Bain & Company tiến hành một nghiên cứu thú vị về chuyển đổi số tại thị trường Đông Nam Á. Ông có thể cho độc giả biết về nghiên cứu này và những kết quả đáng chú ý?

Đây là năm thứ 4, Meta và Bain & Company đã hợp tác thực hiện nghiên cứu thường niên có tên gọi "SYNC Đông Nam Á", khảo sát khoảng 16.700 người tiêu dùng kỹ thuật số và hơn 20 lãnh đạo doanh nghiệp cao cấp tại 06 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có gần 4.000 người dùng đến từ Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đem tới nhiều phát hiện thú vị.

Đầu tiên, cần nhấn mạnh rằng khu vực Đông Nam Á đang dẫn đầu xu hướng chuyển đổi số tại châu Á - Thái Bình Dương, vượt qua cả 2 quốc gia đông dân là Ấn Độ và Trung Quốc, và Việt Nam được kỳ vọng sẽ dẫn dắt xu thế này tại khu vực. Nghiên cứu cũng đi sâu vào nhận diện những thay đổi lớn trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng Đông Nam Á, phản ánh sự lên ngôi của các kênh trực tuyến trên từng chặng Khám phá, Đánh giá và Mua hàng.

Ngoài những số liệu định lượng cho thấy sự gia tăng ảnh hưởng của các kênh số hóa xuyên suốt hành trình mua sắm, báo cáo cũng chỉ ra những xu thế mới tác động tới mô hình hoạt động cũng như nhận thức, lựa chọn thương hiệu của người tiêu dùng số. Theo đó, lối sống lấy nhà làm trung tâm (home-centric lifestyle) đã hình thành và được củng cố trên toàn khu vực.

Đơn cử như tại Việt Nam, báo cáo ghi nhận 5 hoạt động trực tuyến mà người tiêu dùng Việt dành nhiều thời gian nhất, bao gồm Lướt mạng xã hội, Xem video, Thương mại điện tử, Nhắn tin và Chơi game.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp SMEs từ xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam? - Ảnh 1.
 

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng cũng có nhận thức rõ rệt hơn về ESG - bộ tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị Doanh nghiệp, và nhìn chung, họ sẵn lòng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm, dịch vụ của những doanh nghiệp thỏa mãn được hệ giá trị này.

Quả là những phát hiện mang tính nền tảng. Ông có thể chia sẻ thêm một số điểm nổi bật riêng của thị trường Việt Nam?

Như tôi đã nói, Việt Nam được nhìn nhận như là quốc gia có tốc độ tăng trưởng bứt phá, dẫn đầu xu hướng số hóa tại khu vực. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực về số lượng người tiêu dùng số, chỉ sau Indonesia và Philippines. Tại Việt Nam, cứ 7 trên 10 người tiêu dùng đã trở thành người tiêu dùng số, và ước tính sẽ có tổng cộng 53 triệu người tiêu dùng số trong nước vào cuối năm 2021. Đó là con số rất lớn.

Xét về tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử, Việt Nam cũng chỉ đứng sau Indonesia. Ước tính tới năm 2026, tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử trong nước sẽ lên tới con số 56 tỷ đôla Mỹ, tương đương mức tăng ấn tượng 4,5 lần so với giá trị ước tính của năm 2021. Các con số nói trên củng cố vị thế của Việt Nam như là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Cuối cùng, cứ 2 người Việt thì 1 người lựa chọn mua sắm online, tức là cao hơn tỷ lệ 45% của khu vực, phản ánh rõ nét tâm lý cởi mở, ưa thích và sẵn sàng thử nghiệm những điều mới mẻ của người tiêu dùng Việt Nam.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp SMEs từ xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam? - Ảnh 2.
 

Vậy từ những phát hiện thú vị này, ông có lời khuyên như thế nào cho các doanh nghiệp trong nước, giúp họ nắm bắt cơ hội để phục hồi và phát triển hậu Covid-19?

Theo tôi, những kết quả rất rõ ràng của "SYNC Đông Nam Á" cho thấy chuyển đổi số không còn là xu hướng mới tại Đông Nam Á như cách đây vài năm, và doanh nghiệp cần xác định đây là trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh doanh của mình.

Doanh nghiệp cần xây dựng mô hình kinh doanh linh hoạt nhất để có thể ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Trước kia có nhiều ngành hàng hay nhóm sản phẩm phụ thuộc vào kênh vật lý (offline). Nhưng với tính năng của kỹ thuật số và tác động của đại dịch đã khiến cho người tiêu dùng cởi mở hơn với việc mua sắm trực tuyến.

Vì vậy, doanh nghiệp có thể xây dựng kênh tiếp cận thông tin đa kênh cho người tiêu dùng như các kênh vật lý, trực tuyến, thông qua các mạng xã hội hay nền tảng nhắn tin như Facebook, Instagram và Messenger.

Doanh nghiệp cần tìm điểm chạm phù hợp của mình với người tiêu dùng nằm ở đâu trong chuỗi trải nghiệm với khách hàng, cần biết tiếp cận người tiêu dùng ở thời điểm nào, tìm cách xây dựng và phát triển mối quan hệ bền vững với người tiêu dùng.

Trong kinh doanh, mối quan hệ trực tiếp với người tiêu dùng chính là giá trị trường tồn đối với doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tập trung phát triển mối quan hệ này, doanh nghiệp sẽ xây dựng được một cộng đồng người tiêu dùng mà cộng đồng này sẽ sẵn sàng kết nối trực tiếp với doanh nghiệp qua các kênh vật lý hay trực tuyến.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ bổ ích này!

(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)