{keywords}
(Ảnh: Nikkei)

Sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada dự đoán cạnh tranh sẽ bớt khốc liệt hơn tại Đông Nam Á thời kỳ hậu Covid-19. Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei, CEO Lazada James Dong nhận định, “khác biệt lớn nhất và rào cản gia nhập lâu dài đối với các nền tảng TMĐT là công nghệ. Tiếp theo, tất nhiên là vốn”.

Bình luận được ông Dong đưa ra sau khi Lazada vừa được công ty mẹ Alibaba “bơm tiền”. Theo hồ sơ pháp lý tại Singapore, cuối tháng 8, Alibaba đầu tư 912,5 triệu USD vào nền tảng, nâng tổng số vốn rót vào sàn trong năm nay lên gần 1,3 tỷ USD. Hồi tháng 5, Alibaba cũng rót tiền vào Lazada.

Số tiền khủng giúp Lazada có “lợi thế rất lớn” so với các đối thủ trong khu vực, ông Dong nhấn mạnh, cho phép họ “ở lại cuộc chơi lâu dài”.

Sức mạnh tài chính của Lazada trái ngược với những người chơi TMĐT Đông Nam Á khác, vốn đang phải đối phó với nhu cầu sụt giảm, giá trị vốn hóa đi xuống và một thị trường bất ổn do dịch bệnh và cuộc chiến Nga – Ukraine. Những bất lợi khiến cho vật giá leo thang và sức mua của người tiêu dùng suy yếu.

Đáng chú ý nhất, Sea buộc phải thu hẹp kinh doanh. Tăng trưởng chậm khiến công ty mẹ Shopee phải tìm mọi biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Trong nửa đầu năm nay, Shopee báo lỗ ròng 1,51 tỷ USD, cao hơn mức lỗ 855 triệu USD của một năm trước.

Từ khi lên sàn chứng khoán New York năm 2017, Sea chi mạnh tay cho các kênh tiếp thị, từ mời ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo làm đại sứ thương hiệu cho đến các chương trình giảm giá hào phóng. Tất cả đều nhờ vào số vốn dư dả do niêm yết.

Shopee đã vượt Lazada trở thành nền tảng TMĐT lớn nhất Đông Nam Á. Trong năm tài khóa 2021, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Shopee đạt 62,5 tỷ USD, tăng 76,8%. GMV của Lazada là 21 tỷ USD. Dù vậy, cùng với đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ trên toàn cầu, Sea chứng kiến vốn hóa “bốc hơi” hơn 170 tỷ USD, hay 86% từ khi lập đỉnh tháng 10/2021, khiến tập đoàn khó gọi vốn hơn.

“Sau dịch bệnh và trong bối cảnh thị trường chung giảm tốc, rõ ràng hiện tại là thời gian khó khăn đối với tất cả người chơi”, ông Dong nhận xét. CEO Lazada cũng lưu ý tình hình sẽ còn kéo dài trong ít nhất vài quý.

Năm nay, Shopee rút khỏi một số thị trường châu Âu và Mỹ Latinh quan trọng. Công ty cắt giảm nhân sự tại Đông Nam Á, trong khi lãnh đạo cấp cao tự nguyện giảm lương và thắt chặt chính sách chi tiêu.

Dong chỉ ra sự khác biệt giữa Lazada và Sea khi cho rằng Lazada “luôn vận hành theo cách bền vững… Chúng tôi đã tồn tại hơn 10 năm”.

Song, Lazada cũng bị những con sóng “xô đẩy”. Doanh thu bán lẻ quốc tế của Alibaba – bao gồm Lazada và các mảng khác – chậm đáng kể trong năm 2022. Sau khi doanh thu bán lẻ quốc tế tăng trưởng hai chữ số trong mỗi quý của năm 2021, nó chỉ còn 1,56 tỷ USD trong ba tháng đầu năm nay, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu quý II là 1,57 tỷ USD, gần như không thay đổi so với quý trước và giảm 3% theo năm.

Theo Nikkei, ông Dong đang dẫn dắt Lazada trong giai đoạn thách thức. Lazada hiện có 150 triệu người dùng tại 6 thị trường Đông Nam Á và muốn tăng gấp đôi con số này vào năm 2030. Một giải pháp là bắt tay với các nhà bán lẻ truyền thống để phục vụ khách hàng chung.

Ông Dong đặt cược, Lazada sẽ mang về nhiều khách hàng hơn nhờ nâng cấp trải nghiệm người dùng và công nghệ. Công ty đang đầu tư vào mua sắm qua livestream và tùy chỉnh ứng dụng theo từng thị trường.

“Chắc chắn khách hàng sẽ chuyển đổi giữa các sàn để tận dụng ưu đãi (như giảm giá). Tuy nhiên, nếu mọi thứ đều như nhau, họ sẽ gắn bó với nền tảng mà họ thích”, ông Dong nói.

Trước các tin đồn Lazada đang nhắm đến thị trường châu Âu, ông Dong nhấn mạnh công ty tiếp tục tập trung vào 6 thị trường Đông Nam Á, ít nhất vào lúc này. Ông từ chối bình luận về việc Alibaba sẽ còn rót vốn trong bao lâu nhưng khẳng định Lazada đang “trên con đường rất tốt để đạt lợi nhuận”.

Dù số tiền từ Alibaba giúp Lazada duy trì lợi thế, học cách vận hành bền vững sẽ rất quan trọng nếu nền tảng thực sự muốn tiến vào châu Âu.

Du Lam (Theo Nikkei)

Shopee lại sa thải nhân sự tại Trung Quốc

Shopee lại sa thải nhân sự tại Trung Quốc

Shopee cho biết cắt giảm nhân sự nằm trong nỗ lực “tối ưu hóa hiệu quả vận hành”.