Doanh nghiệp Việt đặt nhiều tham vọng vào chuyển đổi số

Tọa đàm về "Giải pháp đột phá đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số - Các nền tảng ứng dụng"

Misa, CMC, Yeah1, Ngân hàng Vietcombank, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (Liên Việt Postbank) đều là các doanh nghiệp đặt các mục tiêu tham vọng trong chuyển đổi số trong lĩnh vực của mình.

Chia sẻ trong khuôn khổ buổi tọa đàm về "Giải pháp đột phá đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số - Các nền tảng ứng dụng" trong khuôn khổ Diễn đàn ICT Summit diễn ra hôm nay (8/8), ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Công ty cổ phần Misa cho biết: "Trong xu thế cạnh tranh toàn cầu, nếu không chuyển đổi số, không sử dụng các nền tảng để chuyển đổi quản trị doanh nghiệp thì sẽ không có khả năng cạnh tranh. Đó là câu chuyện giữa tồn tại hay không tồn tại". Vị này cũng đưa ra một số liệu thống kê của Microsoft ở khu vực châu Á, các doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số để quản trị sẽ có doanh thu và lợi nhuận tăng ít nhất gấp khoảng 2,5 lần so với các doanh nghiệp chuyển đổi số chậm hơn.

Ông Lữ Thành Long cũng mang tới những kì vọng của Misa qua việc xây dựng nền tảng tài chính kế toán mà doanh nghiệp này đang theo đuổi khi tham gia giải bài toán xã hội giúp cho 700.000 doanh nghiệp có kế toán và 5 triệu hộ cá thể có thể kê khai thuế một cách dễ dàng. "Tại thời điểm này không có cách nào hơn là phát triển một nền tảng tài chính kế toán. Nền tảng này giúp kết nối giữa các hộ cá thể với những người làm tài chính kế toán hay các doanh nghiệp kê khai thuế. Chúng tôi xác định là bài toán lớn và sứ mệnh Misa theo đuổi", ông Long cho hay.

Không chỉ Misa, Yeah1 và Topica cũng là các doanh nghiệp đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng trong quá trình chuyển đổi số ở doanh nghiệp. Trong đó, lãnh đạo Yeah1 nhắc đến việc sẽ tích hợp thêm thương mại điện tử hay phát triển tính năng mạng xã hội để tăng tương tác trên nền tảng hệ sinh thái Yeah1. Còn Topica với tầm nhìn đến năm 2020 sẽ trở thành một nền tảng học tập lớn tại Đông Nam Á.

Mở cơ hội cho doanh nghiệp bằng cơ chế sandbox

Trả lời câu hỏi của "Tại Việt Nam chúng ta có thể xây dựng nền tảng số hay không?" ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc Công ty Công nghệ CMC SI chia sẻ: Cách đây vài năm khi bắt đầu suy nghĩ về việc xây dựng một nền tảng cho tổ chức, doanh nghiệp, CMC luôn đặt câu hỏi làm thế nào để cho doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức có cơ hội để thành công hơn nữa. CMC có lợi thế với một hệ thống data center đã được xây dựng và kết nối với các nền tảng lớn trên thế giới (Google, Amazon, Microsoft...). CMC đã tiếp cận theo cách "đứng trên vai người khổng lồ", sử dụng các nền tảng lớn để xây dựng nên các ứng dụng thông minh mà các doanh nghiệp và người dùng cần.

Dù vậy, ông Lương Tuấn Thành cho biết những khó khăn và trở ngại khi cung cấp các dịch vụ nền tảng cho xã hội đó là chưa có cơ sở pháp lý cho nền tảng số. "Đây chính là điểm vướng mắc lớn nhất cần tháo gỡ".

Chân dung ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Ngân hàng Liên Việt PostBank. Ảnh: CafeF

Cùng ý kiến đó, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Ngân hàng Liên Việt PostBank cho rằng: “Muốn chuyển đổi số thành công thì cung cấp 3 phần đó là thể chế, con người và công nghệ. Trong đó thể chế là quan trọng nhất. Ông Nguyễn Đình Thắng cho biết hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn thể chế đi trước một bước để tạo khung pháp lý. Càng doanh nghiệp lớn càng sợ nhất là rủi ro pháp lý”.

Doanh nghiệp nền tảng công nghệ và tài chính ngân hàng có thể đi đầu trong chuyển đổi số. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần tạo điều kiện khuyến khích để các ngân hàng có thể đứng đầu trong chuyển đổi số và giải quyết các khúc mắc ở thời điểm hiện tại. "Phải tạo điều kiện cho ngân hàng làm sandbox càng sớm càng tốt. Nhà nước cần làm những việc tập trung đầu tư (đào tạo nhân lực, xây dựng hạ tầng dữ liệu) còn lại có thể để doanh nghiệp cơ chế để làm", ông Nguyễn Đình Thắng cho biết thêm.