Quản lý các siêu App quan trọng nhất là phải quản lý dòng tiền. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Những năm gần đây, trên thế giới WeChat, Grab, Go-Jek - các siêu ứng dụng (Super App) đã nhanh chóng trở thành các kỳ lân công nghệ. Tại Việt Nam cũng bùng nổ sự phát triển mạnh mẽ của các siêu ứng dụng, điển hình cho  sự trỗi dậy của siêu ứng dụng ở Việt Nam có Zalo, Momo, Go-Viet, VinID, Grab. Các ứng dụng này đang đổ tiền phát triển cùng lúc nhiều dịch vụ khác nhau.

Các siêu ứng dụng này thay vì cung cấp mỗi dịch vụ đơn lẻ trên một trang web hay một app thì sẽ tích hợp liên kết cung cấp nhiều dịch vụ trên một Super App. Trong đó, phổ biến nhất là các dịch vụ như: bán hàng, dịch vụ quảng cáo, thanh toán hóa đơn, mua bán vé xem phim, vé tàu xe.

Gần đây các siêu App còn chuyển dịch sang các dịch vụ tài chính như chuyển tiền, cho vay tín chấp. Như Grab chẳng hạn, từ một ứng dụng cung cấp dịch vụ gọi xe, giờ đây Grab đã cung cấp đa dịch vụ trên nền tảng này, từ thanh toán hóa đơn, bán thẻ điện thoại tới bán đồ ăn, chuyển tiền online. Người dùng có thể vào một App là giải quyết được nhiều nhu cầu trên đó.

Vậy câu hỏi đặt ra là các dịch vụ được cung cấp trên nền tảng siêu ứng dụng có nảy sinh các vấn đề về pháp lý hay không? ICTnews đã đặt câu hỏi với ông Trường Bomi, cựu CEO Ahamove, hiện là Giám đốc dịch vụ chuyển tiền của Momo. Ông Trường Bomi là người đã nhiều năm nghiên cứu về các mô hình siêu App, O2O (mô hình kinh doanh Online to Offline) trên thế giới.

Theo ông Trường Bomi, việc quản lý các dịch vụ trên siêu App cũng không có gì đặc biệt, hay nảy sinh thêm các vấn đề mới về pháp lý. Bởi vì thực chất thay vì trước đây mỗi App hay một trang web cung cấp một dịch vụ thì nay sẽ có nhiều dịch vụ được tích hợp trong một siêu App. Siêu App có thể coi như một kênh marketing cho các dịch vụ khác.

Ví dụ, như Momo khi cung cấp các tính năng bán vé xem phim, bán dịch vụ ăn uống, đặt vé xe rẻ thì cũng giống như quảng cáo bán hàng cho các dịch vụ này, cộng thêm tiện ích là người dùng có thể đặt mua và thanh toán trực tiếp trên ứng dụng. Các dịch vụ đều được cung cấp một cách minh bạch, không có gì mờ ám.

Ông Trường Bomi chỉ lưu ý, quản lý siêu ứng dụng thì quan trọng nhất là quản lý dịch vụ chuyển tiền. Việc quản lý chặt chẽ dịch vụ chuyển tiền mục đích để xem dòng tiền đi qua đây có cung cấp cho các dịch vụ bất hợp pháp hay không. Ví dụ như vụ án game cờ bạc Rikvip chẳng hạn, một số cổng thanh toán đã kết nối với game này thì dòng tiền qua đây là dòng tiền cung cấp cho các dịch vụ bất hợp pháp. Còn với các dịch vụ khác, siêu App chỉ hoạt động tương tự như một kênh quảng cáo, bán hàng.

Theo nguồn tin từ Bộ TT&TT, trên một nền tảng cung cấp đa dịch vụ trên Internet thì những dịch vụ nào là dịch vụ kinh doanh có điều kiện, nhà nước quy định phải xin giấy phép thì dịch vụ đó phải được bộ, ngành quản lý lĩnh vực đó cấp phép. Ví dụ, cung cấp dịch vụ thanh toán, ngân hàng, tài chính thì phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải được Bộ Công Thương cấp phép, cung cấp dịch vụ đặt xe qua App thì phải được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép…