{keywords}
Grab Việt Nam thông báo tắt dịch vụ GrabExpress và GrabMart tại Hà Nội.

Tối qua, ngày 27/7, Grab Việt Nam thông báo chính thức tắt dịch vụ GrabExpress và GrabMart tại Hà Nội kể từ 22 giờ cùng ngày. Như vậy, Grab đã tắt toàn bộ các dịch vụ của mình kể từ khi Hà Nội thông báo giãn cách toàn thành phố.

Trước đó, từ 6h ngày 24/7, Grab tạm ngưng cung cấp các dịch vụ kết nối qua ứng dụng Grab, bao gồm dịch vụ vận chuyển (GrabBike, GrabCar, GrabTaxi), dịch vụ giao nhận thức ăn (GrabFood) theo quy định. Ứng dụng này duy trì dịch vụ giao nhận hàng hóa (GrabExpress), đi siêu thị, đi chợ hộ (GrabMart) trên địa bàn thành phố do chưa có hướng dẫn cụ thể.

Trong thông báo tắt toàn bộ dịch vụ, Grab cho biết: “Việc tạm tắt dịch vụ GrabExpress và GrabMart tại Hà Nội vào thời điểm này có thể gây ra một số bất tiện cho người dùng và đối tác nhưng với tinh thần tuân thủ và nỗ lực phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi hy vọng nhận được sự đồng cảm, thấu hiểu của người dùng và đối tác tại Hà Nội”, thông báo của Grab nêu. 

Việc tạm tắt các ứng dụng giao nhận hàng hóa và đi chợ hộ của Grab là để đợi sự hướng dẫn cụ thể hơn từ phía cơ quan chức năng. 

Trước Grab, các ứng dụng như be và Gojek cũng tạm ngưng cung cấp dịch vụ tại Hà Nội. 

Thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách toàn thành phố, thông tin hạn chế shipper hoạt động đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều người cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh hạn chế đi lại, shipper là nguồn lực có thể duy trì nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng khẳng định thành phố chỉ cấm đội ngũ shipper của ứng dụng công nghệ vì hiện lực lượng này không ai quản lý. Đối với đội ngũ nhân viên chuyển phát của các doanh nghiệp bưu chính và lực lượng giao nhận của siêu thị có cơ quan quản lý và chịu trách nhiệm nên không bị cấm, vẫn được hoạt động. 

Sau quyết định tạm dừng hoạt động của các shipper công nghệ của thành phố, Grab Việt Nam đã có kiến nghị cho shipper công nghệ được hoạt động nhằm vận chuyển lương thực, thực phẩm, giúp người dân tiếp cận nguồn nhu yếu phẩm mà không phải ra khỏi nhà và tập trung đông người khi đi mua sắm.

Để đảm bảo phòng dịch, UBND thành phố Hà Nội có chỉ đạo Sở Công Thương và Sở Giao thông vận tải (GTVT) sớm cấp mã cho các shipper của siêu thị, sàn thương mại điện tử tham gia vận chuyển trên địa bàn.

Hai Sở Công thương và GTVT Hà Nội đã tiến hành cấp mã cho các tài xế vận chuyển hàng hóa. Ngày 27/7, có khoảng 700 tài xế được cấp và vận chuyển đủ điều kiện vận chuyển. Hầu hết trong số này là nhân viên của siêu thị, các đơn vị phân phối.

Nguồn tin của ICTnews cho biết, các đơn vị vận chuyển, giao hàng qua ứng dụng cũng gửi danh sách và đang chờ được cơ quan chức năng cấp phép cho tài xế đăng ký giao hàng.

Duy Vũ

TP.HCM: Shipper phải đeo biển tên, có mã QR code để nhận diện

TP.HCM: Shipper phải đeo biển tên, có mã QR code để nhận diện

Lượng shipper các doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm 10%, phải có băng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20cm, in chữ “Shipper” màu trắng mới đủ điều kiện hoạt động và chỉ được vận chuyển hàng thiết yếu.