Các ứng dụng giao hàng bắt đầu tự xét nghiệm cho shipper tại TP.HCM từ hôm 24/9. Nhiều hãng kết hợp với các địa điểm y tế để xét nghiệm trong khi có một số ứng dụng tự tổ chức. Hầu hết shipper của các hãng phải tự trả tiền xét nghiệm.

Theo phương án của Grab, shipper có thể xét nghiệm nhanh tại 3 địa điểm là Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, 2 điểm ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh (tại trụ sở chính và điểm xét nghiệm lưu động) bắt đầu từ ngày 24/9. Các địa điểm này thuộc quận Tân Bình và thành phố Thủ Đức với năng lực xét nghiệm ở mức 30 - 40 người trong mỗi 30 phút.

Shipper của Grab có thể đăng ký qua ứng dụng và được hẹn giờ xét nghiệm. Mức phí do tài xế chi trả từ 75.000 - 160.000 đồng tùy cơ sở.

Cũng chọn phương án thuê ngoài, phía Ahamove cho biết ngày 24/9 sẽ xét nghiệm cho shipper tại 5 địa điểm gồm: Bệnh viện Quận Phú Nhuận (Hoàng Minh Giám, Quận Phú Nhuận); Bệnh viện Giao thông Vận tải (điểm xét nghiệm Vạn Hạnh Mall, Quận 10); Phòng Khám đa khoa Sài Gòn (Lý Thái Tổ, Quận 3); Phòng Khám đa khoa Hoàn Mỹ (Nguyễn Oanh, Quận Gò Vấp); Phòng Khám đa khoa Việt Mỹ Sài Gòn (Tỉnh lộ 10, Quận Bình Tân).

“Công ty sẽ áp dụng nhiều biện pháp công nghệ và kỹ thuật để cố gắng phân luồng shipper hợp lý, giảm thời gian chờ và đảm bảo giãn cách trong xét nghiệm”, đại diện Ahamove nói.

{keywords}
Tài xế Gojek đang xét nghiệm Covid-19

Gojek cũng cho biết phương án xét nghiệm cho tài xế giao hàng được triển khai ngay trong ngày 24/9 để đảm bảo chuỗi cung ứng được liền mạch, không bị đứt gãy.

Khác với Grab, Gojek tự tổ chức xét nghiệm miễn phí cho tài xế. Đại diện hãng này cho biết ngay trong ngày 23/9 đã nhận đủ số bộ xét nghiệm nhanh cho số lượng hàng chục nghìn tài xế đã đăng ký với Sở Công Thương. Các bộ xét nghiệm nhanh được công ty phân phối tại 36 địa điểm, hoạt động từ 6 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Công ty đã chuẩn bị tài liệu tập huấn, quy trình tự xét nghiệm với minh hoạ cụ thể, rõ ràng, đảm bảo an toàn theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế, gửi tới tài xế thông qua mã QR.

“Nhằm tránh tình trạng tụ tập đông người, chúng tôi sử dụng công nghệ để sắp xếp khung thời gian và cũng tích hợp vào mã QR này để hẹn giờ đối tác tài xế Gojek đến nhận bộ xét nghiệm và thực hiện xét nghiệm nhanh dưới sự giám sát về chuyên môn, theo hướng dẫn của Sở Công Thương”, đại diện Gojek cho hay.

Theo dự kiến, trung bình mỗi giờ có khoảng 10-15 đối tác tài xế tại 1 điểm xét nghiệm. Sau khi xác minh kết quả xét nghiệm do tài xế chuyển lên hệ thống, Gojek sẽ tổng hợp và cập nhật kết quả lên Cổng thông tin của Sở TT&TT.

Do bộ xét nghiệm được cung cấp miễn phí bởi các cơ quan chức năng, từ nay cho đến ngày 30/9, đối tác tài xế Gojek không phải trả bất cứ một khoản chi phí nào để thực hiện xét nghiệm nhanh. “Chúng tôi sẽ dựa trên thực tiễn triển khai trong những ngày tới để tiếp tục hoàn thiện, đưa ra phương án hỗ trợ hoạt động xét nghiệm nhanh của đối tác tài xế trong thời gian tiếp theo một cách hiệu quả nhất”, đại diện Gojek nói.

Các hãng lựa chọn thuê ngoài và tiền phí do tài xế chi trả cũng đưa ra nhiều phương án hỗ trợ nhằm giảm bớt gánh nặng cho tài xế. Phía Grab cho biết, sẽ có chương trình hỗ trợ chi phí xét nghiệm Covid-19 dành cho những shipper có mức độ gắn kết cao và hoạt động tích cực trên ứng dụng. Cụ thể, đối tác tài xế hoàn thành đủ số khung giờ hoạt động cần thiết trên ứng dụng Grab được hỗ trợ 300.000 đồng/tuần để thực hiện xét nghiệm theo quy định của cơ quan chức năng.

Duy Vũ

Tự tổ chức xét nghiệm cho shipper có thể khiến giá dịch vụ giao hàng tăng cao

Tự tổ chức xét nghiệm cho shipper có thể khiến giá dịch vụ giao hàng tăng cao

Đại diện ứng dụng giao hàng cho rằng, các doanh nghiệp không có đủ chuyên môn, nguồn lực để tổ chức xét nghiệm cho shipper và có thể dẫn đến chi phí giao nhận hàng hóa tăng, do nguồn cung tài xế vốn đang thấp hơn so với nhu cầu.