Các siêu ứng dụng giao hàng nhanh như Grab, Go-Việt, Be, Ahamove vẫn mở cửa phục vụ suốt Tết, tuy nhiên những ngày sát Tết do lượng tài xế về quê nghỉ Tết đông nên việc gọi xe giao hàng khá lâu hơn so với ngày thường, giá cước từ ngày 2/2/2019 (28 Tết) đã tăng khá cao, gấp 1,5 lần giá cước niêm yết của các ứng dụng.

Trước ngày 28 Tết giá cước tăng nhẹ 10-20% so với ngày thường. Để khuyến khích tài xế làm việc trong dịp Tết các ứng dụng gọi xe đã công bố chính sách thưởng khá hấp dẫn với những tài xế làm việc trong dịp Tết. Grab, Ahamove công bố mức thưởng tối đa có thể lên tới 10 triệu đồng, mức thưởng tùy thuộc vào năng suất làm việc của tài xế.

Kể từ ngày 27 Tết, các shop online đã nỗ lực bán nốt hàng để nghỉ Tết, nhất là những shop bán đồ ăn, hay bán hàng Tết, tuy nhiên việc gọi shipper giao hàng rất khó khăn. Chị Hậu, một người bán hàng Tết online ở Khương Đình cho biết, Hà Nội cho hay, đăng nhập vào ứng dụng Ahamove dù cước báo tăng 1,5 lần chị vẫn chấp nhận nhưng đăng có khi mấy lần vẫn không có người nhận. Gọi Grab cũng chậm hơn ngày thường, giá cước báo cũng rất cao, tuy nhiên tài xế của Grab chỉ ứng số tiền nhỏ dưới 500.000 đồng nên không thể gọi Grab giao những đơn hàng cần ứng trên 500.000 đồng.

Sang ngày 28 Tết thì việc gọi ship hàng qua ứng dụng Grab, hay Ahamove còn khó khăn hơn trước, gọi mãi mới có ship nhận mà phải chờ rất lâu mới đến lấy hàng và đi giao, dù cước phí đã tăng hơn 1,5 lần nhưng các shop đành phải chấp nhận vì không còn giải pháp nào khác khi các ship ruột đã nghỉ về quê ăn Tết.

Ahamove cũng thông báo tới khách hàng sẽ tăng nhẹ phí ship trong mấy ngày nghỉ Tết và suốt Tết thì đội ngũ tài xế vẫn phục vụ khách hàng, tuy nhiên Ahamove cũng lường trước số lượng đơn hàng giao trong mấy ngày Tết sẽ rất ít, mà chủ yếu sẽ bị quá tải mấy ngày sát Tết khi mà các shop online cố gắng bán hết hàng, còn người mua cũng thường mua sắm trước Tết.

Từ ngày 28/1/2019, Grab áp dụng chính sách tặng mã khuyến mãi cho những khách thực hiện xong 5 đơn giao hàng, mã được giảm từ 10.000 – 15.000 đồng/đơn hàng. Tuy nhiên, cước áp dụng cho mấy ngày nghỉ Tết trên Grab Express khá cao hơn bình thường. Ví dụ, một đoạn đường khoảng 2,5km trước giá cước chỉ tầm 20.000 đồng thì nay tăng lên khoảng 35.000 đồng.

Dịch vụ giao hàng nhanh, giao hàng tức thời đang phát triển mạnh kích thích thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển nhanh hơn, bằng sự tiện dụng, giá cước rẻ, giao hàng an toàn hơn, nhất là giải pháp giao nhận nhanh dù chỉ một đơn hàng lẻ rất phù hợp với các shop bán hàng online trên mạng xã hội.

Thị trường gọi xe qua ứng dụng ở Việt Nam đã cực kỳ sôi động khi có sự nhập cuộc của một loạt các tân binh nội như Fastgo, Vato, Aber, Be... trong năm qua. Nhưng thực tế các doanh nghiệp nội không đủ sức đấu với Grab cả về công nghệ lẫn nguồn vốn. Grab đã bộc lộ rõ toan tính thôn tính thị trường khi mà liên tục tung ra khuyến mãi khủng để thu hút cả đội ngũ tài xế cũng như người dùng. Doanh nghiệp Việt có thể bám đuổi Grab hiện chỉ có Ahamove ở phân khúc giao hàng tức thời, còn các ứng dụng gọi xe khác có quy mô rất nhỏ.