Với chiếc điện thoại di động mở ứng dụng có tên Boki, nhóm VTeam gồm 4 sinh viên Nguyễn Đắc Sang, Hồ Hoàng Hiệp, Nguyễn Văn Hưng và Đinh Trọng Nam đến từ Đại học FPT - Hà Nội  đã thử tìm kiếm phòng trong khu vực mong muốn. Một loạt các yêu cầu được một thành viên trong nhóm đưa ra như: “Phòng cho nữ, khu vực Dương Nội, Hà Đông với giá là 500.000 đồng”. Một thành viên khác tìm kiếm theo các yêu cầu trên. Một loạt phòng của các khách sạn, nhà nghỉ đã đăng ký trên ứng dụng hiển thị.

Người dùng có thể lựa chọn phòng dựa trên mô tả, hình ảnh, giá cả mà chủ khách sạn, nhà nghỉ đưa ra. Bên cạnh đó, ứng dụng còn lưu trữ và hiển thị công khai đánh giá của các du khách đã ở tại khách sạn, nhà nghỉ đó trước đây để người dùng tiện so sánh. Nếu ưng ý, người dùng có thể đặt phòng ngay chỉ với thao tác “Chọn”. Một khoản phí đặt cọc do người dùng và chủ khách sạn, nhà nghỉ tự thỏa thuận sẽ được trừ qua tài khoản tín dụng người dùng để xác nhận việc đặt phòng. Khi trả phòng, người dùng được hoàn lại khoản này. Phí sử dụng ứng dụng nằm trong khoảng 3-5% tổng tiền phòng thanh toán sau khi kết thúc thời gian lưu trú.

Hoàn tất đặt phòng, một mã QR Code được gửi đến người dùng. Đây cũng chính là “chìa khóa” phòng mà người dùng đã đặt. “Mã QR Code được gửi đến điện thoại di động nên người dùng có thể dễ dàng lưu giữ, giảm thiểu tình trạng hỏng, mất chìa khóa. Mã này được dùng để mở và khóa phòng, thay cho chìa khóa truyền thống. Người dùng có thể chia sẻ mã cho bạn hoặc người thân ở cùng phòng với mình”, sinh viên Hồ Hoàng Hiệp, trưởng nhóm VTeam chia sẻ.

Vì “chìa khóa phòng” ảnh hưởng đến độ an toàn của khách lưu trú nên ứng dụng Boki tạo ra một số tính năng nâng cao tính bảo mật cho mã QR Code. Một mã QR Code chỉ có hiệu lực mở và khóa phòng trong vòng 24 tiếng. Quá thời gian này, ứng dụng sẽ tự động gửi một mã QR Code mới cho người dùng. Chủ khách sạn, nhà nghỉ và người dùng đều có thể theo dõi được lịch sử mở, khóa phòng nhờ cơ sở dữ liệu lưu trên hệ thống. Tính năng giúp khách sạn, nhà nghỉ có lưu lượng khách đặt, trả phòng lớn hoặc trong trường hợp người dùng nghi ngờ phòng nghỉ bị đột nhập trái phép có thể kiểm tra lại một cách chính xác.

Để kiểm thử tính năng mở và khóa phòng bằng QR Code, nhoám 4 sinh viên này đã chế tạo hẳn một mô hình có cửa ra vào, kết nối với ứng dụng qua cảm biến mã QR Code lắp đặt ở cửa. Chạy thử sản phẩm cho thấy cửa ra vào mở và đóng trơn tru khi quét mã QR Code từ điện thoại di động. Theo nhóm, chi phí lắp đặt thiết bị này từ 500.000 đồng –-1.000.000 đồng, khá phù hợp cho các khách sạn, nhà nghỉ từ bình dân đến trung và cao cấp. Giao diện Boki với tông màu trắng chủ đạo, các nút thao tác được thiết kế gọn gàng, đẹp mắt, tạo ấn tượng khá tốt với người dùng.

Ý tưởng về ứng dụng đặt phòng và mở khóa phòng thông minh được nhóm sinh viên Nguyễn Đắc Sang, Hồ Hoàng Hiệp, Nguyễn Văn Hưng và Đinh Trọng Nam ấp ủ từ khá lâu, qua những lần trải nghiệm dịch vụ đặt phòng khách sạn từ truyền thống đến hiện đại. Theo chia sẻ của nhóm, hiện nay khách sạn, nhà nghỉ truyền thống chủ yếu vẫn yêu cầu khách du lịch liên hệ trực tiếp với chủ khách sạn, nhà nghỉ để đặt phòng và nhận chìa khóa phòng. Các mô hình hiện đại được giới trẻ yêu thích như Airbnb cho phép người dùng đặt phòng, thanh toán trực tuyến nhưng vẫn phải nhận chìa khóa từ chủ khách sạn, nhà nghỉ khi đến nơi lưu trú.

“Việc phải nhận, giữ chìa khóa phòng trong khi đi du lịch đối với chúng mình khá bất tiện, chưa kể đến việc không may có thể làm hỏng hoặc mất chìa. Ngoài ra, khách sạn, nhà nghỉ nào cũng phải đầu tư hệ thống khóa và chìa đi kèm số lượng lớn, tốn kém và mất công bảo quản”, sinh viên Nguyễn Đắc Sang, thành viên nhóm VTeam chia sẻ.

Việc phát triển ý tưởng mới chỉ được nhóm chuẩn bị trong khoảng 2 tháng gần đây. Đặc biệt, nhóm đã lập trình ứng dụng, lắp đặt phần cứng chạy thử chỉ trong vòng 27 tiếng làm việc liên tục. “Lập trình liên tục trong một thời gian ngắn khiến nhóm phải làm việc với sự tập trung và tinh thần cao nhất. Thiết kế phần cứng khiến nhóm chưa ưng ý lắm nhưng chúng mình đã cố gắng tập trung phát triển tính năng hơn và khác của Boki so với các ứng dụng đặt phòng hiện tại, đó là mã QR Code”, sinh viên Đinh Trọng Nam cho biết.

Sản phẩm ứng dụng đặt phòng và khóa cửa thông minh cho khách sạn có tên Boki của nhóm VTeam vừa tham dự cuộc thi lập trình FPT Edu Hackathon mùa đầu tiên và xuất sắc giành giải Nhất. Hội đồng chuyên môn đánh giá các sản phẩm ở cuộc thi gồm nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT nhận định “Hệ thống khóa cửa thông minh có tính bảo mật cao, dễ ứng dụng. Tuy nhiên, nhóm cần phối hợp với một công ty chuyên chế tạo khóa để tích hợp quét mã QR Code bởi phần cứng chưa phải là thế mạnh của nhóm”.

Với giải thưởng 30 triệu đồng cùng chuyến tham quan, học tập tại Singapore sau cuộc thi lập trình FPT Edu Hackathon 2018, có thể nhóm 4 sinh viên của Tổ chức Giáo dục FPT sẽ có thêm trải nghiệm và kiến thức để sớm thương mại hóa sản phẩm thú vị, có tính thực tiễn này.

VTeam, SHS giành ngôi Quán quân cuộc thi lập trình FPT Edu Hackathon 2018

Là cuộc thi lập trình dành cho học sinh, sinh viên được Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Education) tổ chức lần đầu tiên, FPT Edu Hackathon 2018 có đề thi là Mạng lưới kết nối vạn vật (IoT). Có tổng giá trị giải thưởng lên đến 300 triệu đồng, cuộc thi này nhằm mục đích khuyến khích tính sáng tạo, khả năng ứng dụng công nghệ giải bài toán thực tiễn của học sinh, sinh viên. Trong vòng chung kết được tổ chức ngày 9 - 10/6 vừa qua, sau 27 tiếng lập trình liên tục và gần 4 tiếng thuyết trình, chạy thử sản phẩm trước Hội đồng chuyên môn, quán quân hai bảng A và B của cuộc FPT Edu Hackathon 2018 đã được xác định, trong đó đội VTeam của Đại học FPT giành giải Nhất bảng A và nhất bảng B là đội SHS đến từ Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đã trao 2 giải Nhì trị giá 20 triệu đồng/giải cho 2 đội QTL Team (Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic TP.HCM) và CoderGang (Đại học FPT - Cần Thơ); 2 đội giành giải Ba trị giá 10 triệu đồng/giải là Captains (Đại học FPT - Hà Nội) và Jet Lùn (Viện Đào tạo quốc tế FPT - Hà Nội). Hai giải Khuyến khích FPT Edu Hackathon 2018 trị giá 5 triệu đồng/giải thuộc về các đội OLAF (FUNiX) và Bionic Smartech (Viện Đào tạo quốc tế FPT - Hà Nội). Giải thưởng đội thi được khán giả yêu thích có trị giá 3 triệu đồng đã được trao cho các đội Jet Lùn (Viện Đào tạo quốc tế FPT - Hà Nội) và Tabe Aso (Đại học FPT - Hà Nội).