Hà Nội nằm trong Top 3 địa phương dẫn đầu về mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT

Ngày 17/1, Sở TT&TT Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ và phát động phong trào thi đua năm 2019.

Ghi nhận những kết quả Sở TT&TT Hà Nội đã đạt được trên cả 6 lĩnh vực trọng tâm của ngành TT&TT, trong phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, năm 2018, Chỉ số xếp hạng ICT Index của Hà Nội đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ nhất về Chỉ số công nghiệp CNTT. Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu cho Thành phố triển khai diện rộng phần mềm một cửa dùng chung 3 cấp, kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 cho các Sở, ban, ngành, 30 UBND quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.

“Đây là kết quả nổi bật trong công tác ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, Bộ TT&TT đánh giá cao Hà Nội về kết quả này”, Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cho biết, các lĩnh vực hoạt động khác, Hà Nội vẫn xứng đáng là một trong các địa phương dẫn đầu của ngành TT&TT.

Sở TT&TT phải vươn lên mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu của một Sở quản lý nhà nước về ICT

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ và phát động phong trào thi đua năm 2019.

Theo thống kê của Sở TT&TT Hà Nội, đến nay, Thành phố đã có 1.055 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4, đạt 55%, trong đó có 139 DVCTT mức độ 4. Bên cạnh việc đi đầu triển khai ứng dụngCNTT, Sở TT&TT còn đang duy trì hoạt động Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Hà Nội và “Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội” bước đầu đạt hiệu quả, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tìm kiếm nguồn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp...

Về viễn thông, năm qua, Sở TT&TT Hà Nội đã phối hợp với các sở ngành liên quan tạo điều kiện các thủ tục cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình ngầm. Hiện các chủ đầu tư đã hoàn thành xây dựng công trình ngầm tại 57 tuyến phố/177 tuyến phố. Sở TT&TT phối hợp với các sở Xây dựng, Giao thông Vận tải, UBND các quận, chủ đầu tư thống nhất biện pháp thi công chung, đồng thời giữa điện lực và viễn thông được 47 tuyến phố. Trong năm ngoái, Sở cũng đã cùng các doanh nghiệp thực hiện thanh thải, sắp xếp, bó gọn đường dây viễn thông đi nổi tại 172 tuyến phố.

Sở TT&TT - hạt nhân triển khai Chính quyền điện tử tại địa phương

Cho biết trong 2 ngày 15-16/1/2019, Bộ TT&TT đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng thông tin: tại hội nghị này, Thủ tưởng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TT&TT phải là chủ công về Chính phủ điện tử và Sở TT&TT phải là hạt nhân triển khai Chính quyền điện tử ở các địa phương. Thủ tướng cũng nhắc nhở các Sở TT&TT nói chung trong những năm qua chưa khẳng định được vai trò của ngành TT&TT tại địa phương.

“Vì vậy, năm 2019 chính là năm Sở TT&TT cả nước nói chung và Sở TT&TT Hà Nội nói riêng cần phải vươn lên mạnh mẽ, đáp ứng được yêu cầu của một Sở quản lý nhà nước về ICT. ICT là nền tảng của chính quyền điện tử, đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số”, Thứ trưởng nêu rõ.

Đề cập đến nhiệm vụ năm 2019, Thứ trưởng đề nghị Sở TT&TT Hà Nội tích cực tham mưu hơn nữa cho Thành phố triển khai đồng bộ, hiệu quả kế hoạch ứng dụng, phát triển CNTT theo hướng tập trung, thống nhất trên một hệ thống với quy mô toàn Thành phố; đẩy nhanh tiến độ triển khai đồng bộ DVCTT, chú trọng đến nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 02 mới được Chính phủ ban hành - là cung cấp 30% DVCTT mức độ 4, hoàn thành trong năm 2019. “Đặc biệt, một trong những vấn đề cốt lõi là Hà Nội phải xây dựng hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong nội bộ, thông qua đó kết nối liên thông được với các bộ ngành, địa phương được với nhau trong thời gian tới”, Thứ trưởng lưu ý.

Thứ trưởng cũng đề nghị Sở TT&TT Hà Nội tiếp tục tham mưu cho Thành phố xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng thành phố Hà Nội thông minh bền vững, đẩy mạnh việc đảm bảo an toàn thông tin mạng; tăng cường phối hợp rà soát khắc phục các lỗ hổng bảo mật; nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại; ứng phó các sự cố an toàn thông tin mạng với các hệ thống thông tin của Thành phố.

Đồng thời, chủ động rà soát, nghiên cứu chính sách tạo lập môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông theo hướng thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế; có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp viễn thông trong việc phát triển hạ tầng, đảm bảo phát triển hiện đại, tạo sự cạnh tranh lành mạnh và bền vững; nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyên truyền về các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của Thành phố; tăng cường quản lý thông tin trên báo chí, hệ thống báo điện tử, mạng xã hội, các blog, kịp thời chấn chỉnh đối với các trường hợp thông tin sai lệch, không đúng quy định…

Sở TT&TT phải vươn lên mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu của một Sở quản lý nhà nước về ICT

Sở TT&TT Hà Nội được yêu cầu cần ẩy nhanh tiến độ triển khai đồng bộ dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn Thành phố (Ảnh minh họa)

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị ngành TT&TT Thủ đô cần có kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ năm 2019, trong đó chú trọng cải cách thủ tục hành chính, rà soát quy chế, quy trình làm việc; tăng cường ứng dụng CNTT nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ông Quý cũng yêu cầu Sở TT&TT Hà Nội cần lưu ý kịp thời bám sát chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ TT&TT để tiếp tục tham mưu cho Thành phố triển khai đồng bộ, hiệu quả kế hoạch ứng dụng, phát triển CNTT theo hướng tập trung, thống nhất trên một hệ thống với quy mô toàn thành phố.

Ngoài ra, Sở TT&TT Hà Nội còn được chỉ đạo tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo xu hướng công nghệ mới, hiện đại, trong đó tập trung vào phát triển mạng viễn thông thế hệ mới (mạng 4G, 5G) và triển khai, lắp đặt hệ thống Wi-Fi công cộng miễn phí tại các khu di tích lịch sử, khu làng nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch thành phố...