Cảm biến IMX586 được xem là cảm biến camera dành cho smartphone đầu tiên trên thế giới sử dụng điểm ảnh kích cỡ 0,8 micon. Chính nhờ kích thước điểm ảnh nhỏ mà Sony có thể dồn một lượng lớn điểm ảnh vào một cảm biến kích thước đủ để lắp vừa vào các thiết bị di động.

IMX586 có độ phân giải 48MP (8000 x 6000) - mật độ điểm ảnh cao nhất trên thế giới. Thông thường, các điểm ảnh trong sensor camera smartphone có kích thước lớn hơn 1 micron, chẳng hạn trên flagship Pixel 2 của Google là 1,4 micron.

Cố gắng nhồi nhét thật nhiều điểm ảnh vào một cảm biến vốn không được phép quá lớn không phải là điều mới lạ. Trên thực tế, đây chính là chiêu marketing mà rất nhiều nhà sản xuất smartphone - trong đó có Samsung - đã thực hiện nhiều năm trước. Mật độ điểm ảnh có thể trở thành con số marketing hiệu quả ngay cả khi trên thực tế chất lượng chụp hình được quyết định bởi rất nhiều yếu tố khác của cảm biến.

Đó là lý do vì sao camera của Apple vẫn tự tin năm này qua năm khác đứng top dù vài năm trước, khi các nhà sản xuất khác đã có camera 16 MP còn iPhone của “Táo khuyết” vẫn chỉ có 8MP, mãi cho đến tận iPhone 6S Apple mới chịu nâng cấp lên 12MP để kịp cạnh tranh với đột phá của các hãng khác. Đó cũng là lý do trả lời cho việc Galaxy S6 có camera 16MP nhưng đến thế hệ Galaxy S7 lại giảm xuống 12MP, trong khi Galaxy S7 lại đánh dấu bước ngoặt về nâng cấp trải nghiệm chụp hình trên smartphone Samsung và cho chất lượng hình ảnh hoàn toàn so sánh được với Galaxy S9 ra mắt 2 năm sau đó.

Trên lý thuyết, mật độ điểm ảnh cao cho phép thu được hình ảnh sắc nét hơn từ một cảm biến nhỏ, còn kích thước điểm ảnh lớn giúp từng điểm ảnh có thêm diện tích để thu sáng, đồng nghĩa với việc thu được nhiều ánh sáng hơn và cho chất lượng chụp tuyệt vời hơn trong điều kiện chụp thiếu lý tưởng. Bởi vì có tới 48MP, kích thước điểm ảnh trên cảm biến Sony rất nhỏ và để khắc phục cho tác vụ chụp thiếu sáng, nhà sản xuất Nhật Bản đã sử dụng một ma trận lọc màu có tên Quad Bayer, cho phép các điểm ảnh trong điều kiện thiếu sáng tự động gộp lại 4 điểm ảnh thành 1, kết quả là từ kích thước 0,8 micron, điểm ảnh tăng lên 1,6 micron - cao hơn 1,4 micron trên điểm ảnh của cảm biến Google Pixel 2.

Điều này có nghĩa rằng độ phân giải tổng thể của bức ảnh sẽ giảm đi xuống còn 12MP, nhưng đây là con số hoàn toàn chấp nhận được xét đến việc các top camera hiện tại đều dừng ở mức 12MP, thậm chí 10MP như trên Huawei P20 Pro - vốn dĩ sử dụng cảm biến của Leica 40MP và công nghệ ghép điểm ảnh tương tự. Ngược lại, trong điều kiện đủ sáng, ảnh chụp từ IMX586 sẽ có độ nét tuyệt đối và kích thước khổng lồ.

48MP tuy là một con số ấn tượng, nhưng chất lượng ảnh chụp smartphone được quyết định bởi phần lớn bởi phần mềm xử lý ảnh - điều mà mỗi hãng sản xuất lại làm khác nhau. Có rất nhiều cảm biến camera độ phân giải cao và chất lượng tốt nhưng vẫn cho ra ảnh chụp trung bình chỉ bởi phần mềm xử lý ảnh không hiệu quả. Do vậy, khai thác được hết hiệu năng của IMX586 hay không còn là vấn đề của mỗi nhà sản xuất điện thoại.

Hàng mẫu của IMX586 dự kiến sẽ tới tay các nhà sản xuất vào tháng 9 tới.