Theo báo cáo từ Credit Suisse, Trung Quốc là quê hương của gần 1/3 kỳ lân công nghệ thế giới (unicorn - startup giá trị trên 1 tỷ USD). Tuy nhiên, Mỹ lại có lợi thế lớn hơn ở các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo, phần mềm và robot. Báo cáo chỉ ra chỉ có 14% kỳ lân Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao này, so với 40% của Mỹ. Cứ 4 kỳ lân toàn cầu thì 3 đến từ Mỹ và Trung Quốc.

Trở ngại lớn nhất đối với startup Trung Quốc là thiếu đầu tư nghiên cứu. Vincent Chan, Giám đốc chiến lược Credit Suisse tại Trung Quốc, nhận xét nghiên cứu khoa học ở đây, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản, vẫn đang trong giai đoạn đuổi bắt. Theo báo cáo, ngân sách nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc từ năm 2000 đến 2009 chỉ chiếm 1,2% GDP, thấp hơn mức trung bình 2,2% của các nước OECD trong cùng kỳ.

Dù Trung Quốc đang nỗ lực để lấp đầy khoảng cách, các khoản đầu tư ban đầu “cung cấp nền tảng cho sự nổi lên của kỳ lân công nghệ”. AI và robot được xem là cánh cổng dẫn đến công nghệ tương lai và đóng vai trò trung tâm trong cuộc chiến đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh để thống trị toàn cầu.

Tuần trước, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bổ nhiệm cựu nhà đầu tư mạo hiểm Michael Kratsios phụ trách Giám đốc công nghệ Mỹ. Ông Kratsios tập trung vào các lĩnh vực như 5G, AI, máy tính lượng tử và xe tự lái với mục tiêu chính là đảm bảo vai trò dẫn đầu của Mỹ.

Song, Trung Quốc cũng có các bước tiến nhanh chóng trong một vài lĩnh vực và hiện đang dẫn đầu về công nghệ 5G. Huawei là một trong các công ty sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất liên quan đến mạng 5G và cũng nổi lên như người tiên phong về 5G bất chấp các nỗ lực cấm đoán của Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc đã vạch ra kế hoạch trở thành thế lực thống trị trong AI đến năm 2030, dự tính chi gần 150 tỷ USD cho ngành này.