Diễn ra trong hai ngày 13, 14/12 theo hình thức trực tuyến, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư chủ đề “Mô hình hóa, Tính toán và Tối ưu hóa trong Hệ thống thông tin và Khoa học quản lý” – MCO 2021 do Học viện Kỹ thuật mật mã và Đại học Lorraine (Pháp) phối hợp cùng Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, với sự đồng hành của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF). 

{keywords}
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã phát biểu tại hội thảo MCO 2021.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã, cho biết MCO 2021 được tổ chức trong bối cảnh đầy biến động do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy vậy, hội thảo năm nay có quy mô phát triển hơn, tiếp tục là một diễn đàn học thuật, nơi thúc đẩy năng lực sáng tạo của những nhà khoa học trẻ. Đồng thời, đặt ra yêu cầu đối với các nghiên cứu sinh và học viên cao học toàn thế giới là phải có những công trình nghiên cứu khoa học đạt chất lượng và thiết thực.

Trong khuôn khổ hội thảo MCO 2021, đã có 38 bài báo cáo được trình bày tại những phiên họp song song. Các tác giả đã phân tích và đánh giá được những nội dung trọng tâm liên quan đến trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, lập trình DC và DCA và những vấn đề về tối ưu hóa.

Trình bày báo cáo “Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu và Tối ưu hóa trong lĩnh vực Kinh tế và Tài chính”, Giáo sư Panos M. Pardalos, Đại học Florida (Mỹ) đã điểm ra một số tác động chính của các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực kinh tế và tài chính.

{keywords}
Giáo sư Panos M. Pardalos, Đại học Florida (Mỹ) trình bày báo cáo “Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu và Tối ưu hóa trong lĩnh vực Kinh tế và Tài chính”.

Theo Giáo sư Panos M. Pardalos, AI tác động đến ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng trên nhiều khía cạnh. Cụ thể như việc các tổ chức tài chính có thể dùng AI đánh giá chất lượng tín dụng, giá cả, hợp đồng bảo hiểm và tự động tương tác với khách hàng. Các quỹ đầu tư, đại lý môi giới có thể sử dụng AI đưa lại lợi nhuận cao hơn và tối ưu hoá việc thực hiện giao dịch. Các ngân hàng có thể ứng dụng AI trong việc quản lý danh mục rủi ro, quản lý khách hàng và cơ sở dữ liệu ở mức độ chính xác và tốc độ xử lý nhanh hơn con người.

“AI còn có thể được sử dụng để phát hiện gian lận. Đây là một trong những tính năng then chốt trong lĩnh vực kinh tế, tài chính và cũng là nơi hệ thống AI được sử dụng sớm nhất, đạt được nhiều thành công nhất hiện nay”, Giáo sư Panos M. Pardalos cho hay.

Vân Anh

Nhân lực ngành Trí tuệ nhân tạo đang rất thiếu ở Việt Nam và trên thế giới

Nhân lực ngành Trí tuệ nhân tạo đang rất thiếu ở Việt Nam và trên thế giới

Theo các chuyên gia, ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) đang rất thiếu những nhân sự tài năng kể cả ở trình độ sơ cấp và cao cấp. Tuy nhiên, Việt Nam đang có tiềm năng lớn để đào tạo thế hệ nhân tài AI tương lai.