Sở LĐ-TB&XH TP.HCM hôm 19/7 gửi văn bản khẩn cho UBND TP, đề xuất thêm 10 nhóm ngành nghề bị ảnh hưởng bởi Covid-19 để hỗ trợ.

Trong các công việc được đề xuất hỗ trợ có lực lượng xe ôm công nghệ. Kể từ khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ hôm 9/7, tất cả tài xế công nghệ chở khách, vận chuyển đồ ăn phải ngưng hoạt động; chỉ duy trì tài xế công nghệ 2 bánh vận chuyển hàng hoá và hàng thiết yếu.

{keywords}
Giới xe ôm công nghệ bị ảnh hưởng thu nhập do dịch bệnh. (Ảnh: Thu Vân)

Trưa 20/7, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, nói với ICTnews rằng đề xuất vẫn đang được thành phố xem xét.

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đang lên danh sách, rà soát các đối tượng trong nhóm được đề xuất để hỗ trợ trong trường hợp được thành phố đồng ý.

Anh Cường, tài xế GrabBike (Q.12) cho biết đã được khu phố đến lấy thông tin. “Bây giờ thành phố hỗ trợ 500 ngàn, 1 triệu đồng cũng đỡ được phần nào. Mua được ít gạo, mắm muối, dầu ăn. Đỡ khoản nào hay khoản ấy”, anh Cường nói với ICTnews. 

Trong giai đoạn dịch, vợ anh Cường phải nghỉ ở nhà, anh trở thành lao động chính nuôi 4 miệng ăn. Mỗi ngày anh phải cố gắng kiếm được 300-400 ngàn để đủ trang trải. “Bây giờ được 100 ngàn đồng thôi cũng quý rồi”, ông bố hai con chia sẻ. Tuy vậy, anh rất lạc quan vì vẫn còn ra đường kiếm sống được. “Chứ nhiều người ngồi nhà, chết đói!”, anh tâm sự.

Tài xế Dương Tuấn Anh nghỉ làm gần một tuần nay. “Mỗi ngày mấy ngàn ca nhiễm, ra đường cũng sợ anh ạ”, Tuấn Anh nói. Tuấn Anh chuẩn bị ra xe trở lại từ sáng nay nhưng lại gặp đúng hôm Sài Gòn mưa nên công việc chưa thuận lợi.

Trước khi TP.HCM giãn cách, tài xế này vẫn kết hợp chở người và vận chuyển đồ ăn, giao hàng. Sau khi thành phố gia tăng ca nhiễm, anh chủ động tắt dịch vụ chở người để đảm bảo an toàn. Thu nhập có giảm nhưng vẫn không ảnh hưởng lắm đến cuộc sống độc thân.

“Nếu được thành phố hỗ trợ đợt này thì cũng đỡ được tiền trọ anh ạ”, Tuấn Anh thừa nhận.

Đang dừng nghỉ giữa cuốc giao hàng, tài xế Bùi Quốc Anh trả lời điện thoại cho hay các đơn giao hàng gần đây không ổn định, có ngày cao ngày thấp. Thu nhập trung bình giảm do không còn được chở người.

Ở khu phố nơi anh Quốc Anh ở, một số người dân thuộc ngành nghề khác đã nhận được hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi Covid-19. “Có đọc báo thấy được đề xuất hỗ trợ nhưng chưa thấy tổ khu phố vào thống kê”, anh Quốc Anh cho biết.

 “Thành phố hỗ trợ được bao nhiêu quý bấy nhiêu. Thời buổi này có chút tiền trang trải cũng đỡ lắm”, anh Quốc Anh nói thêm.

Theo thống kê, trên toàn địa bàn TP.HCM có khoảng 170.000 xe ôm công nghệ đang hoạt động. Ở các ứng dụng như Grab, Now, Gojek, tài xế vẫn có thể tiếp tục hoạt động chở hàng hoá, giao hàng thiết yếu. Riêng ứng dụng như Baemin chỉ giao đồ ăn nên tài xế phải nghỉ ở nhà.

Trong các nghề nghiệp được đề xuất bổ sung hỗ trợ đợt này, ngoài xe ôm công nghệ còn có một số công việc như bảo mẫu, giúp việc, bảo vệ, giữ xe, rửa xe, sửa xe, bán báo, đánh giày, bán hàng thuê, thợ hồ, thợ sơn, thợ mộc, tài xế, phụ xe, lơ xe,...

Theo Sở LĐ-TB&XH, nhiều lao động tự do (khoảng 27.000 người) đang có đời sống khó khăn, nằm ngoài 6 nhóm đã xác định. Do đó, Sở đề xuất thành phố dùng Quỹ phòng chống dịch Covid-19 để hỗ trợ nhóm này. Nếu đề xuất được thông qua, dự kiến những người lao động sẽ nhận được trợ giúp từ ngày 25/7.

Từ ngày 5/7 đến 19/7, có gần 236.000 trên tổng số 237.500 lao động tự do đã nhận hỗ trợ. Như vậy, có gần 100% lao động tự do của TP.HCM được trợ giúp trong đợt này. 

Hải Đăng

Tài xế công nghệ tại TP.HCM: Người nghỉ việc, người làm không xuể

Tài xế công nghệ tại TP.HCM: Người nghỉ việc, người làm không xuể

Ngày đầu tiên TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, một số tài xế công nghệ phải nghỉ chạy, trong khi một số khác nhận đơn tăng đột biến. Tuy nhiên, hầu hết đều thừa nhận đang gặp khó khăn.