Việt Nam cần tận dụng triệt để công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19 | Tận dụng công nghệ triệt để hơn nữa để phòng chống dịch Covid-19

Theo Văn phòng Chính phủ, thời gian qua, với tinh thần chống dịch như chống giặc, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ đã phối hợp, chỉ đạo một số doanh nghiệp viễn thông, CNTT phát triển các công cụ CNTT phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cũng cho hay, để bảo đảm tính hiệu quả, an toàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu Bộ Y tế, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quản trị toàn bộ dữ liệu của hệ thống, chủ trì phối hợp với Bộ TT&TT khuyến nghị sử dụng sản phẩm và có hướng dẫn phù hợp.

Bộ TT&TT bảo đảm kỹ thuật và công nghệ, an toàn thông tin cho các giải pháp, chỉ đạo triển khai các giải pháp công nghệ, phân tích dữ liệu phục vụ yêu cầu chỉ đạo chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ TT&TT thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổ chức triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo mật dữ liệu theo quy định.

Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua Đề án Hệ tri thức Việt số hóa (iTrithuc) tập hợp các ứng dụng, dữ liệu và các nguồn lực trong Đề án để phục vụ chương trình. Các Bộ Giáo dục, Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành, đơn vị khác tham gia triển khai các cấu phần về giáo dục trực tuyến, quản lý du lịch… phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trước đó, trong Nghị quyết 11 về phiên họp thường kỳ tháng 1/2020 của Chính phủ, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi toàn thể cộng đồng công nghệ Việt Nam cùng chung tay thể hiện trách nhiệm và sứ mệnh để hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tại lễ ra mắt 2 ứng dụng (app) hỗ trợ phòng dịch Covid-19 gồm ứng dụng NCOVI dành cho người dân Việt Nam và ứng dụng Vietnam Health Declaration dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam được Bộ TT&TT, Bộ Y tế phối hợp tổ chức ngày 9/3, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã chung tay sử dụng công nghệ để chống dịch. Từ đầu mùa dịch đến nay, đã có nhiều ứng dụng, giải pháp công nghệ hỗ trợ chống dịch, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn có dịch bệnh.

Đề cập đến vai trò, sự hỗ trợ của công nghệ trong công tác phòng chống dịch Covid-19, tại hội nghị trực tuyến tập huấn ứng dụng CNTT trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 được Bộ Y tế tổ chức hôm qua, ngày 15/3, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 cho hay, khác hẳn với những đợt chống dịch trước đó, lần này Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ.

“Chúng ta áp dụng tờ khai y tế điện tử, đồng thời hiện nay đang làm việc với các hãng hàng không để các chuyến bay khi dừng đỗ thì cùng với việc vệ sinh khử khuẩn sẽ tiến hành khai báo y tế điện từ trên máy bay luôn để tránh ùn, ách khi xuống sân bay. Tận dụng triệt để CNTT trong phòng chống dịch”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết: “Sắp tới, chúng ta tiếp tục tận dụng triệt để CNTT trong truy xuất nguồn gốc các hành khách, quản lý những trường hợp tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh. Trước đây, để kiểm soát các hành khách trên chuyến bay VN0054, cơ quan chức năng mất tới 4 ngày nhưng chuyến sau đó chỉ mất 2 ngày, giờ mất nửa ngày song Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, phải phấn đấu rút xuống còn 30 phút”.

Việt Nam cần tận dụng triệt để công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19 | Tận dụng công nghệ triệt để hơn nữa để phòng chống dịch Covid-19

Ở góc độ của chuyên gia công nghệ tham gia nhóm điều phối các giải pháp CNTT phục vụ phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ DTT Nguyễn Thế Trung cho biết: “Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam dưới ngọn cờ của Bộ TT&TT đã hợp lực để triển khai các giải pháp CNTT chống dịch Covid-19. Cụ thể, đã có hàng chục giải pháp được phát triển và triển khai tính theo thời gian ngày, việc mà bình thường phải tính theo thời gian là tháng, năm; không ít hơn 500 kỹ sư đã và đang làm việc ngày đêm; và hệ thống sử dụng lượng hạ tầng vào dạng lớn nhất trong các hệ thống CNTT Việt Nam từng có”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Trung cũng cho rằng, thời gian tới việc ứng dụng CNTT phục vụ phòng chống dịch Covid-19 cần được tận dụng nhanh chóng và triệt để hơn nữa.

Trao đổi với ICTnews, ông Trần Việt Hùng, nhà sáng lập startup công nghệ Got It chia sẻ, cá nhân ông không được biết Ban chỉ đạo phòng chống dịch đang tận dụng những công nghệ gì, tuy nhiên với mọi người, những ứng dụng như hệ thống khai báo sức khỏe toàn dân rất quan trọng. Ngoài ra, các công ty công nghệ cũng đã có những đóng góp cụ thể để có thông tin tốt cho cộng đồng, ví dụ như Dashboard về tình hình lây lan dịch bệnh của Kompa/Filum hay giải pháp hỗ trợ chống FakeNews của InfoRe.

“Theo ý kiến cá nhân của tôi thì những việc quan trọng của chiến dịch phòng chống dịch vẫn do các nhà chuyên môn thực hiện là chính, vì cũng phải có kiến thức và kinh nghiệm chuyên ngành nhất định. Công nghệ đóng vai trò hỗ trợ cho các nhà chuyên môn để họ có thể thực hiện công việc của mình hiệu quả hơn một chút có thể là về mặt thời gian, công sức hay chi phí. Nếu các nhà chuyên môn liệt kê ra được một số tác vụ cụ thể lặp đi lặp lại và với số lượng lớn thì đấy có thể là cơ hội để công nghệ được tận dụng để hỗ trợ họ”, ông Trần Việt Hùng chia sẻ thêm về vai trò của công nghệ đối với công tác phòng chống dịch.