tránh tái lây nhiễm phần mềm độc hại là nội dung rất cần được quan tâm

Thực hiện chức năng là cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về ATTT nói chung, bao gồm cả công tác phòng chống phần mềm độc hại, Cục ATTT đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động để thực hiện mục tiêu tại Quyết định 898/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ “Đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 20 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại và phát tán thư rác cao nhất trên thế giới theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế”.

Cụ thể, theo chia sẻ của đại diện Cục ATTT, đơn vị này tổ chức triển khai công tác bảo đảm ATTT quy mô quốc gia, hướng dẫn, đôn đốc và hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo đảm ATTT trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Đặc biệt là đối với công tác xác định cấp độ hệ thống thông tin và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Khi các hệ thống được bảo đảm tương xứng với cấp độ an toàn thì khả năng lây nhiễm phần mềm độc hại cũng sẽ bị hạn chế rất nhiều.

Tham mưu cho Bộ TT&TT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 về nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại. Sau khi Chỉ thị được phê duyệt, Cục ATTT đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các chuyên gia có liên quan khẩn trương tổ chức triển khai các nội dung của Chỉ thị này.

Thiết lập hệ thống kỹ thuật để chủ động theo dõi, rà quét phát hiện mã độc trên không gian mạng Việt Nam. Từ đó kịp thời cảnh báo, hướng dẫn, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương khắc phục, xử lý, bóc gỡ.

Tổ chức triển khai đề án 893 về tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm đảm bảo ATTT đến năm 2020 với nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức và hướng dẫn kỹ năng bảo đảm ATTT cho người sử dụng trong các cơ quan, tổ chức và cộng đồng như: qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT và Cục ATTT, hội nghị, hội thảo, bản tin cảnh báo. Đặc biệt là các cảnh báo đối với các nguy cơ lây nhiễm phần mềm độc hại trên diện rộng như WannaCry, NotPetya...

Đáng chú ý, Bộ TT&TT đang phối hợp với các Bộ, ngành địa phương, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, doanh nghiệp ATTT (đặc biệt là các doanh nghiệp ATTT trong nước như Viettel, VNPT, CMC, Bkav, FPT…) tổ chức chiến dịch phát hiện, bóc gỡ và tránh tái lây nhiễm phần mềm độc hại trên diện rộng. Do đây là một nội dung lớn và liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức nên sẽ được tổ chức trong một khoảng thời gian dài, liên tục với sự phối hợp chặt chẽ của các bên. Trước mắt, sẽ tập trung vào các cơ quan, địa phương có số lượng thiết bị lây nhiễm mã độc lớn, bao gồm việc hỗ trợ khắc phục, xử lý cho cả cơ quan Nhà nước và khuyến nghị, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người sử dụng trong cộng đồng.

Đại diện Cục ATTT cũng cho biết, ngoài vấn đề phát hiện và xử lý thì việc làm sao để tránh tái lây nhiễm phần mềm độc hại là nội dung rất cần được quan tâm bởi nếu không làm tốt việc này thì việc xử lý, bóc gỡ sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.