Phát triển các nền tảng Make in Vietnam giúp đẩy nhanh chuyển đổi số

Đầu tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình xác định tầm nhìn: “Đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia cũng hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Với vai trò cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT đã xác định phát triển các nền tảng số là giải pháp đột phá để đẩy nhanh chuyển đổi số và đây cũng là một trong những việc đã được triển khai ngay, quyết liệt.

{keywords}
Với chuỗi sự kiện "Ngày thứ Sáu công nghệ", trong năm 2020, Bộ TT&TT đã chọn và tổ chức ra mắt, giới thiệu 38 nền tảng số Make in Vietnam góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.

Trong năm 2020, thông qua chuỗi sự kiện “Ngày thứ Sáu công nghệ”, Bộ TT&TT đã tổ chức đánh giá, lựa chọn các nền tảng số tốt do doanh nghiệp Việt Nam phát triển, để phục vụ Chương trình chuyển đổi số quốc gia và bảo trợ về truyền thông cho các nền tảng số Make in Vietnam này.

Các nền tảng số Make in Vietnam được Bộ TT&TT chọn giới thiệu đều đã được Cục Tin học hóa đánh giá kỹ lưỡng, là những nền tảng tốt bằng hoặc hơn các giải pháp cùng lĩnh vực của nước ngoài.

Trong kết luận phiên họp Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử ngày 10/3, Thủ tướng đã đánh giá, việc triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được khởi động và đạt được một số kết quả bước đầu, trên 50% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và bắt đầu triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số, đã có khoảng 40 nền tảng Make in Việt Nam được ra mắt.

Gần 40 nền tảng số Make in Vietnam được Bộ TT&TT giới thiệu trong chuỗi sự kiện “Ngày thứ Sáu công nghệ” được tổ chức trong năm 2020 trải rộng trên nhiều lĩnh vực như: các nền tảng quản lý dạy và học trực tuyến của Viettel, VNPT, MISA; nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa Telehealth; nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến VOV Bacsi24; các nền tảng điện toán đám mây Việt; nền tảng mã bưu chính Vpostcode; các nền tảng hộ nghị truyền hình trực tuyến Zavi, Comeet; các nền tảng quản trị tổng thể doanh nghiệp 1Office, MISA AMIS; các nền tảng cung cấp dịch vụ Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC)…

"Ngày thứ Sáu công nghệ" trở lại với format mới

Trong năm 2021, chuỗi sự kiện “Ngày thứ Sáu công nghệ” tiếp tục kiên định với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đưa nhiều nền tảng số hữu ích đến với các doanh nghiệp và đông đảo người dân, thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo Cục Tin học hóa, loạt sự kiện ra mắt các nền tảng chuyển đổi số được Bộ TT&TT chính thức khởi động lại từ tháng 4/2021 sẽ có tên gọi mới “Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam”.

Đặc biệt, sự kiện có format mới, theo đó bên cạnh phần giới thiệu của đơn vị phát triển nền tảng số, sẽ có thêm phiên tương tác trực tiếp giữa đội ngũ phát triển nền tảng và báo chí, người sử dụng theo hình thức một cuộc tranh biện.

Các bên tham gia sự kiện sẽ được đặt câu hỏi, thể hiện thẳng thắn các góc nhìn đa chiều về nền tảng và cuối phiên mọi người sẽ được bình chọn công khai cho sản phẩm, giải pháp công nghệ Make in Vietnam được chọn giới thiệu.

{keywords}
Số đầu tiên của "Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam" được tổ chức ngày 9/4, với sự ra mắt của nền tảng quản lý nhà xe thông minh Anvui (Ảnh minh họa)c

Số đầu tiên của “Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam” sẽ diễn ra vào ngày 9/4 tại Bộ TT&TT, với sự ra mắt của nền tảng quản lý nhà xe thông minh Anvui của Công ty cổ phần công nghệ An Vui.

Được biết, giải pháp quản lý nhà xe thông minh Anvui là nền tảng công nghệ với mục đích số hóa ngành vận tải hành khách đường dài, giúp các doanh nghiệp vận tải hành khách chuyển đổi số, quản trị khoa học, tối ưu hóa giúp giảm bớt lãng phí xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải trước cuộc cách mạng công nghệ.

Vân Anh

Doanh nghiệp Việt phải đẩy nhanh việc phát triển các nền tảng phục vụ cuộc sống

Doanh nghiệp Việt phải đẩy nhanh việc phát triển các nền tảng phục vụ cuộc sống

Nhấn mạnh Việt Nam phải làm chủ việc chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phải đẩy nhanh việc phát triển, làm chủ các nền tảng số.