Thay đổi tư duy lãnh đạo

Thành lập năm 1998 bởi doanh nhân Yusaku Maezawa, Zozo là công ty điều hành sàn thương mại điện tử thời trang số một Nhật Bản Zozotown. 

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kotaro Sawada, người tiếp quản công ty vào năm 2019 từ tay nhà sáng lập, Zozo tiếp tục chứng kiến sự vươn mình mạnh mẽ bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến toàn ngành bán lẻ thời trang. 

Trong khi nhà sáng lập Maezawa thúc đẩy sự phát triển của Zozo bằng những cách làm không theo quy tắc, người kế nhiệm Sawada lại đưa mọi thứ vào khuôn khổ. Ông đưa ra khái niệm mới công nghệ thời trang và tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ cho công ty.

{keywords}
Chủ tịch Kotaro Sawada bên cạnh các sản phẩm công nghệ của Zozo.

Zozo bắt đầu xây dựng một hệ thống thông tin liên lạc công khai trong toàn công ty kể từ năm 2020, trái ngược với phong cách trước đây của Maezawa là thông tin được che giấu giữa các tầng quản lý.

Những cuộc họp cũng được thay đổi. Trước kia, hướng dẫn được đưa xuống cho mỗi bộ phận theo kiểu mệnh lệnh từ trên xuống và có rất ít trao đổi qua lại. Giờ đây, thông tin được chia sẻ ở các bộ phận, từ cấp quản lý xuống đến nhân viên.

Nhưng phần lõi công nghệ của Zozo cũng có sự thay đổi đáng kể. Năm 2017, công ty cho ra đời Zozosuit để sử dụng nội bộ và khiến các nhà bán lẻ trên Zozotown phản ứng dữ dội.

Đến tháng 10/2020, Zozosuit 2 được công bố không chỉ cải thiện độ chính xác mà còn mở đường cho bên thứ ba sử dụng. Giờ đây, ứng dụng này giúp may đo quần áo ‘đo ni đóng giày’ cho mỗi khách hàng một cách chính xác tuyệt đối.

Kết quả là Zozo đang có trong tay dữ liệu của hơn 1 triệu khách hàng, nhờ đó giúp phát triển các loại quần áo đa dạng kích thước hơn nữa. Chiến lược giúp các nhà bán lẻ trên Zozotown giảm được rủi ro của việc trả lại hàng do không vừa size.

{keywords}
Zozosuit giúp người dùng chọn được quần áo ưng ý vừa size. 

Nhờ đó, các đối tác bán lẻ đã tìm đến Zozotown nhiều hơn. Trong năm tài chính kết thúc vào 31/3/2021, giá trị hàng hóa giao dịch đã tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, lập kỷ lục 419,4 tỷ Yên (3,8 tỷ USD).

Tham vọng của Zozo là tham gia vào tất cả các khâu của việc gia công quần áo, từ sản xuất đến bán lẻ. Công ty cũng muốn hỗ trợ nhà sản xuất trong việc lập kế hoạch bán hàng. Đặc biệt, Zozo muốn số hóa việc quản lý, dây chuyền cung ứng và hậu cần thông qua sắp xếp đơn hàng.

Công ty dự kiến hợp tác với các thương hiệu để thành lập đơn vị đặc biệt chuyên lo cơ sở hạ tầng trong năm nay.

Đổi mới nhờ công nghệ

Nhờ ứng dụng công nghệ, Zozo muốn phát triển từ một trang web mua sắm quần áo trở thành website toàn diện về thời trang.

Tháng 3/2021, Zozo ra mắt nền tảng tập trung vào phân phối mỹ phẩm Zozocosme. Cùng thời điểm đó họ bắt đầu phân phối kính miễn phí Zozoglass, một thiết bị giúp đo đạc tông màu da của người đeo. 

Người dùng chỉ cần mở ứng dụng Zozotown trên điện thoại, chụp ảnh khuôn mặt trong lúc đang đeo kính Zozoglass để hệ thống phân tích màu da. Hệ thống sau đó tự động khuyến nghị các sản phẩm nên mua dựa trên màu da của người dùng.

Khách đã đặt hàng hơn 1 triệu chiếc kính Zozoglass do nhu cầu mua sắm online tại nhà tăng cao trong mùa dịch. “Thật sung sướng, tôi có thể dễ dàng tìm màu son hợp với da mình thay vì thử từng cái một ở cửa hàng”, một khách hàng nữ cho biết.

{keywords}
Kính mắt Zozoglass giúp người dùng chọn được sản phẩm ưng ý hợp với màu da.

Với giày dép, Zozo phát triển tấm thảm gọi là Zozomat và cũng có hơn 1 triệu người dùng sau ba tháng ra mắt kể từ tháng 2/2020. Người dùng chỉ cần đặt chân lên tấm thảm Zozomat và chụp các bức ảnh dưới nhiều góc độ khác nhau bằng điện thoại, mà sau đó hình ảnh sẽ được chuyển thành dạng 3D.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sau đó giúp đưa ra các khuyến nghị về đôi giày cần chọn cho khách hàng. “Tôi cảm thấy hơi ái ngại trước nhân viên khi phải thử đến 3 - 4 đôi ở cửa hàng mà không chọn được cái nào. Nhưng giờ thì quá dễ để tôi có thể mua giày mà không cần thử”, một khách hàng ở vùng ngoại ô Tokyo cho hay.

Một phiên bản Zozomat cho cánh tay và bàn tay đang được phát triển với mục tiêu thúc đẩy doanh số đồ trang sức nói chung. 

{keywords}
Giá trị giao dịch qua nền tảng Zozotown đã liên tục tăng bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Nhờ một loạt cải tiến công nghệ, khoảng 86% người dùng hàng năm của Zozotown là người dùng thường xuyên (active user). 70% trong số này là nữ với chi tiêu trung bình khoảng 43.809 Yên/năm (khoảng 400 USD/năm). Tỷ lệ quay lại chốt đơn mới là 78% ở thế hệ Gen Z (16-24 tuổi) và Millennials (28-38 tuổi), theo báo cáo tài chính kết thúc vào 31/3/2021 của công ty.

Zozo đang lên kế hoạch khai phá công nghệ may đo ở thị trường nước ngoài vào cuối năm 2021. Ngoài thời trang, công ty có tham vọng ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác bao gồm chăm sóc sức khỏe, dịch vụ liên quan đến chế độ ăn uống và giải trí.

Phương Nguyễn (Theo Nikkei Asia)

Sàn thương mại điện tử Trung Quốc tiếp tay cho xâm phạm thương hiệu

Sàn thương mại điện tử Trung Quốc tiếp tay cho xâm phạm thương hiệu

Các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Dr. Martens hay Levi’s cáo buộc sàn thương mại điện tử Shein của Trung Quốc tiếp tay cho vi phạm thương hiệu.