Đại hội thành lập Câu lạc bộ Xử lý Ngôn ngữ và Tiếng nói tiếng Việt (Vietnamese Language and Speech Processing - VLSP), chi hội của Hội Tin học Việt Nam, vừa được tổ chức theo phương thức trực tuyến.

{keywords}

Thành phần đại biểu chính thức tại Đại hội có gần 30 đại biểu cá nhân đến từ các trường viện và các đơn vị doanh nghiệp cả ở trong và ngoài nước, hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực CNTT và lĩnh vực Ngôn ngữ học. Đây cũng là những thành viên đã tham gia các hoạt động của cộng đồng VLSP trong nhiều năm qua.  

Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua Điều lệ, Phương hướng và kế hoạch hoạt động nhiệm kì 2020-2025 do Ban trù bị Đại hội chuẩn bị. Đại hội cũng đã bầu Ban chấp hành Câu lạc bộ VLSP nhiệm kì thứ nhất gồm 22 Ủy viên và bầu Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Huyền, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội là Chủ tịch Câu lạc bộ. 

Câu lạc bộ Xử lý Ngôn ngữ và Tiếng nói tiếng Việt được các thành viên tự nguyện thành lập trên cơ sở tiếp thu và chia sẻ các tư tưởng của cộng đồng ngôn ngữ học tính toán thế giới. Câu lạc bộ ra đời với mục đích trở thành nơi kết nối các nhóm nghiên cứu, phát triển về xử lý tiếng Việt, để có tiếng nói chung tham gia vào các hoạt động đẩy mạnh sự phát triển của nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực Xử lý ngôn ngữ tự nhiên nói riêng và trí tuệ nhân tạo nói chung ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Đại diện Câu lạc bộ cho biết, Đại hội thành lập Câu lạc bộ VLSP là kết quả của hơn 15 năm hình thành và phát triển của cộng đồng Xử lý ngôn ngữ tự nhiên ở Việt Nam, nơi tập hợp các nhóm nghiên cứu thuộc cả hai khối hàn lâm và công nghiệp trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ và tiếng nói tiếng Việt. 

Hội thảo đầu tiên đánh dấu sự ra đời của cộng đồng được tổ chức vào năm 2005, tại Viện CNTT, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Đề tài Nhà nước về xây dựng tài nguyên và công cụ cho VLSP, dưới sự chủ trì của GS. TSKH Hồ Tú Bảo (Viện KH&CN tiên tiến Nhật Bản) và PGS. TS Lương Chi Mai (Viện CNTT, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) thực hiện từ năm 2007 đến 2009, là nỗ lực đầu tiên của các nhóm nghiên cứu từ các trường viện ở Việt Nam và nước ngoài cho sự phát triển bền vững của cộng đồng VLSP.  Sản phẩm của Đề tài cho đến nay vẫn được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng VLSP.

Kể từ năm 2012, cộng đồng VLSP đã tổ chức một chuỗi các hội thảo gắn với các hội nghị quốc tế lớn được tổ chức ở Việt Nam. Đến đầu năm 2020, năm thành lập chính thức của Câu lạc bộ VLSP, 6 sự kiện đã diễn ra với các hoạt động đa dạng.

Đặc biệt, những năm gần đây các hội thảo VLSP tập trung vào việc tổ chức các cuộc thi về xử lí ngôn ngữ, nhằm thúc đẩy phát triển nghiên cứu cũng như tạo ra các bộ dữ liệu chung chia sẻ cho cộng đồng nghiên cứu VLSP.  Các bộ dữ liệu mang tên hiệu VLSP có được nhờ sự tài trợ của các doanh nghiệp như Al+, Aimesoft, InfoRe, VAIS, VBee, VCCorp, Viettel Cyberspace Center, VINBDI, VNG Zalo và các nhóm nghiên cứu đều được cung cấp miễn phí cho mục đích nghiên cứu.

Câu lạc bộ VLSP có được sự quan tâm của cơ quan chính phủ, các trường đại học và các doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho phát triển ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực đa dạng.

Sau khi có quyết định thành lập, Câu lạc bộ VLSP sẽ chính thức thông báo chính sách đăng kí hội viên, xây dựng Câu lạc bộ nhanh chóng lớn mạnh.

Cùng với đó, Câu lạc bộ cũng đã có nhiều kế hoạch hoạt động trong thời gian tới, mà trước mắt là tổ chức hội nghị châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 34 về Ngôn ngữ, Thông tin và Tính toán; và hội thảo VLSP lần thứ 7 vào cuối tháng 10 năm nay.

Vân Anh

Thêm 2 nền tảng “Make in Vietnam” hỗ trợ đẩy nhanh chuyển đổi số tại Việt Nam

Thêm 2 nền tảng “Make in Vietnam” hỗ trợ đẩy nhanh chuyển đổi số tại Việt Nam

Nền tảng chuyển đổi giọng nói tiếng Việt thành văn bản VAIS và nền tảng giọng nói nhân tạo tiếng Việt tự nhiên Vbee là 2 nền tảng số “Make in Vietnam” được Bộ TT&TT chọn giới thiệu nhằm góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia.