UBND Thừa Thiên Huế vừa phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo về thành phố thông minh.

Theo Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá, hội thảo chuyên đề về thành phố thông minh có thể giúp tỉnh Thừa Thiên Huế nắm bắt được các mô hình thành phố thông minh ở các nước châu Á, có những đánh giá ban đầu về công tác chuyển đổi số của tỉnh và tiến hành các thỏa thuận kết nối, triển khai trong thời gian tới về xây dựng thành phố thông minh.

Là địa phương tiên phong về chuyển đổi số, quản lý đô thị thông minh tại Việt Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn nhận được sự quan tâm của các nhà tài trợ quốc tế. Trong đó ADB và Chính phủ Úc đã hỗ trợ dự án xây dựng mô hình đô thị kỹ thuật số thông minh cho quy hoạch không gian đô thị. Dự án sẽ hỗ trợ tỉnh xây dựng mô hình đô thị kỹ thuật số thông minh cho quy hoạch không gian đô thị, được xem như một phần của chính phủ số, cho phép quy trình lập quy hoạch được toàn diện, hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn. 

Bên cạnh đó, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã viện trợ không hoàn lại cho tỉnh dự án “Xây dựng thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh” với tổng mức đầu tư 13 triệu USD với mục tiêu thúc đẩy phát triển đô thị và du lịch bền vững của TP. Huế theo hướng phát triển kinh tế, môi trường và xã hội nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thiên niên kỷ: công việc tốt và tăng trưởng kinh tế; công nghiệp, cải tiến và cơ sở hạ tầng; thành phố và cộng đồng bền vững.

Tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển dịch vụ Đô thị thông minh đến năm 2020 định hướng đến năm 2025”. Đề án tập trung vào ba nội dung hoạt động cụ thể: hoàn thiện hạ tầng dùng chung và đảm bảo an toàn thông tin phục vụ phát triển chính quyền điện tử; chuẩn hoá và tích hợp thống nhất các hệ thống thông tin; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn đảm bảo điều kiện phát triển chính quyền điện tử.

Năm 2021, tỉnh đã cấp đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Hàn Quốc đầu tư Khu công viên phần mềm, CNTT tập trung tại khu đô thị mới An Vân Dương với quy mô 40 ha, tổng vốn đầu tư 151 triệu USD. Đây là dự án nằm trong chuỗi công viên phần mềm Quang Trung được Thủ tướng Chính phủ thành lập, dự án sẽ được hưởng những chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư. 

Tại hội thảo, các chuyên gia đã thông tin về các xu hướng công nghệ hiện đại được ứng dụng trong lĩnh vực thành phố thông minh hiện nay. Theo đó, nhiều thông tin, kinh nghiệm cũng như thảo luận hướng tới mục tiêu lan tỏa sức mạnh công nghệ trong phát triển thành phố thông minh, giúp nâng tầm chất lượng cuộc sống của người dân ở các khu đô thị, thành phố thông minh đã được chia sẻ. 

Các chuyên gia cũng khẳng định thành phố thông minh giúp tối ưu hóa nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội cũng là mục tiêu của Chính phủ, chính quyền các cấp.

D.V

TP.HCM mở rộng hợp tác tiểu vùng sông Mekong về đô thị thông minh

TP.HCM mở rộng hợp tác tiểu vùng sông Mekong về đô thị thông minh

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định, với chiến lược phát triển đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh, thành phố sẵn sàng tiếp nhận nguồn lực bên ngoài, mở ra cơ hội hợp tác và đầu tư.