Covid-19 diễn biến phức tạp thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số tăng trưởng mạnh mẽ. Thống kê cho thấy tỷ lệ giao dịch qua Internet, điện thoại, QR Code đều gia tăng tại Việt Nam đầu năm 2021. Trong đó, phương thức QR Code có mức độ tăng trưởng mạnh nhất.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, quý 1 năm nay, giao dịch qua kênh Internet tăng 28,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 103%, riêng kênh QR code tăng tới 146%.

{keywords}
Mức tăng trưởng về giá trị của 3 phương thức thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam quý 1/2021.

Điều này có thể hiểu được khi các nền tảng thanh toán QR Code và điểm chấp nhận hình thức thanh toán này đang ngày càng tăng. Dễ thấy toàn bộ các ví điện tử phát triển mạnh nhất hiện nay như MoMo, Moca, ZaloPay, VNPay, nền tảng Payoo,... đều cho phép thanh toán bằng QR Code. Đó là chưa kể, hàng chục ứng dụng ngân hàng Việt Nam cũng cho khách quét mã QR để trả tiền. 

Song song đó, rất nhiều các địa điểm bán lẻ hiện nay đều chấp nhận thanh toán QR Code, bao gồm tất cả các cửa hàng tiện lợi, rất nhiều quán cà phê và nhà hàng, rất nhiều siêu thị và cửa hàng, quán ăn nhỏ. Thêm vào đó, các nền tảng thương mại điện tử lớn cũng cho khách quét mã để trả tiền.

Như MoMo hiện có hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán, tăng trưởng tổng giá trị giao dịch đến hết 2020 gấp 3,5 lần năm trước đó.

Payoo cũng liên kết gần 20.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc, đạt tỷ lệ tăng trưởng giá trị giao dịch 60% mỗi năm, với giá trị gần 100.000 tỷ đồng/năm được xử lý qua hệ thống.

{keywords}
Một giao dịch thành công qua QR Code. (Ảnh: Hải Đăng)

Một khảo sát của Visa vào quý 3/2020 trên 1.000 người Việt ở thành phố lớn lẫn nông thôn, nhiều độ tuổi và giới tính khác nhau cho thấy, tỷ lệ sử dụng thanh toán QR Code cao nhất, 55%, so với các phương thức kỹ thuật số khác.

Mặc dù tăng trưởng mạnh nhưng tổng giá trị giao dịch của QR Code thấp nhất trong các hình thức thanh toán không tiền mặt được nói đến. Cụ thể, cũng theo Ngân hàng Nhà nước, trong quý 1/2021, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỉ đồng, giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỉ đồng, kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỉ đồng.

{keywords}
Tổng giá trị của kênh thanh toán qua Internet vẫn lớn nhất.
{keywords}
Trong khi đó, số lượng giao dịch qua điện thoại chiếm áp đảo.

Điều này cho thấy mặc dù khá phổ biến nhưng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch của QR Code vẫn chưa thể so với kênh thanh toán truyền thống Internet hay kênh thanh toán dùng điện thoại di động. Điều này là do QR Code thường được sử dụng cho các giao dịch nhỏ lẻ tại quầy, trong khi hai phương thức còn lại được sử dụng khi mua sắm các món hàng giá trị cao hơn.

Dịch Covid-19 rõ ràng đã tạo cú hích lớn trong xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam nói chung. Số liệu từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia VN (Napas) cho hay 5 tháng đầu năm hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử Napas đã xử lý hơn 800 triệu giao dịch, đạt hơn 8 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 113% về số lượng và 169% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng mảng thanh toán trực tuyến tăng mạnh. Tổng giá trị thanh toán thẻ, ví điện tử qua cổng thanh toán trực tuyến Napas tăng 125% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ tại các điểm bán hàng (POS) tăng 50%.

Ngược lại, tỉ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM được xử lý qua hệ thống Napas giảm từ 42% năm 2019 xuống còn 26% năm 2020, giảm mạnh xuống 16% trong 5 tháng đầu năm 2021.

Hải Đăng

Ví điện tử, QR Code được người dùng Việt Nam ưa chuộng

Ví điện tử, QR Code được người dùng Việt Nam ưa chuộng

Các hình thức thanh toán kỹ thuật số gia tăng, trong đó ví điện tử và mã QR được người Việt dùng nhiều.