Khảo sát gần đây của Visa cho thấy ngân hàng số đang nhận được sự ủng hộ đông đảo từ người tiêu dùng Việt Nam với phần lớn trong số họ (77%) biết đến ngân hàng số và có tới 31% người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ.

Động lực thúc đẩy việc áp dụng các hình thức này xuất phát từ sự tiện lợi, người tiêu dùng có thể thực hiện giao dịch bất kỳ lúc nào mà không phải đến ngân hàng. Trong đó, dịch vụ thanh toán hóa đơn được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích nhất (72%) và tiếp đến là chuyển tiền cho gia đình, bạn bè (67%).

{keywords}
Thanh toán kỹ thuật số tiếp tục gia tăng tại Việt Nam. (Ảnh: Hải Đăng)

Điều này phù hợp với nghiên cứu của Cimigo hồi cuối năm 2019 cho thấy, người dùng Việt Nam tăng cường tần suất sử dụng ví điện tử. Trong đó, các dịch vụ được dùng nhiều bao gồm nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn định kỳ.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào đánh giá, người dùng Việt Nam ngày càng sẵn sàng đặt niềm tin vào các dịch vụ thanh toán mới do tin tưởng vào dịch vụ của doanh nghiệp có tên tuổi, sự an toàn và bảo mật, khả năng kiểm soát và giám sát tài chính cá nhân.

Dịch Covid-19 rõ ràng đã tạo đà cho xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam nói chung. Số liệu từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho hay, 5 tháng đầu năm hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử Napas đã xử lý hơn 800 triệu giao dịch, đạt hơn 8 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 113% về số lượng và 169% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng mảng thanh toán trực tuyến tăng mạnh. Tổng giá trị thanh toán thẻ, ví điện tử qua cổng thanh toán trực tuyến Napas tăng 125% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ tại các điểm bán hàng (POS) tăng 50%.

Ngược lại, tỉ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM được xử lý qua hệ thống Napas giảm từ 42% năm 2019 xuống còn 26% năm 2020, giảm mạnh xuống 16% trong 5 tháng đầu năm 2021.

Theo khảo sát của Visa, ngày càng nhiều người quan tâm đến các phương thức thanh toán mới trên thị trường. Có 83% người dùng biết đến thanh toán sinh trắc học (chẳng hạn như quét vân tay, nhận dạng giọng nói/khuôn mặt hoặc quét võng mạc) và đa số cũng quan tâm trải nghiệm phương thức mới. Thẻ không số dần được nhận biết bởi 62% người tiêu dùng và có tới 77% người tiêu dùng sẽ sử dụng chúng cho giao dịch trong tương lai.

Mặc dù thanh toán kỹ thuật số tăng trưởng nhưng tỷ trọng tiền mặt tại Việt Nam vẫn cao so với kỳ vọng. Theo Ngân hàng Nhà nước, cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán là 11,5%. Đến hết tháng 4/2021 lại tăng lên mức 11,53%, tương ứng khoảng 1,43 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, mục tiêu đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 ghi rõ, cuối năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.

Nguyên nhân do người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn chuộng hình thức tiêu dùng bằng tiền mặt. Thêm vào đó, thanh toán số trên thương mại điện tử còn thấp; các ngành như y tế, giáo dục chưa đẩy mạnh thanh toán phi truyền thống.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng đối với công chúng, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện.

Hải Đăng

Thanh toán không tiền mặt tại cửa hàng tạp hóa truyền thống, tại sao không?

Thanh toán không tiền mặt tại cửa hàng tạp hóa truyền thống, tại sao không?

Tốc độ đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt đang rất khả quan tại các siêu thị hiện đại, mua bán online… nhưng làm cách nào để thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến?