Thế Giới Di Động vừa tuyên bố chính sách cộng tác viên dành cho các cửa hàng nhỏ lẻ trên toàn quốc. Theo đó, các cửa hàng có thể cộng tác bán hàng cho Thế Giới Di Động để nhận lại hoa hồng.

{keywords}
Một cửa hàng Thế Giới Di Động. (Ảnh: Hải Đăng)

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh, cho biết chuỗi này đang chiếm khoảng 50% thị phần bán lẻ hàng công nghệ toàn quốc. Phần còn lại do các chuỗi lớn (30%) và các cửa hàng nhỏ (20%) nắm giữ.

Tại các khu vực vùng sâu vùng xa nơi Thế Giới Di Động không tiếp cận được, chuỗi này sẽ chọn hợp tác với các cửa hàng nhỏ để bán hàng. Việc bắt tay có thể giúp Thế Giới Di Động tiếp cận với khoảng 20% thị phần còn lại.

Thông thường tại các cửa hàng nhỏ lẻ sẽ không đa dạng hàng hoá. Trong khi đó, Thế Giới Di Động đang bán rất nhiều chủng loại sản phẩm. Các cửa hàng cộng tác viên có thể giới thiệu khách mua hàng của Thế Giới Di Động để được nhận hoa hồng. Với mỗi món bán được, đại lý có thể nhận 5-20% chiết khấu.

Theo cách này, các cửa hàng đang bán điện thoại có thể bán thêm hàng điện máy và ngược lại, cửa hàng điện máy nhỏ lẻ có thể bán thêm điện thoại hay bất kỳ sản phẩm nào Thế Giới Di Động đang kinh doanh.

Sau khi trở thành đại lý, các cửa hàng sẽ được cấp tài khoản bán hàng. Khi khách chọn một món hàng trên website Thế Giới Di Động, đại lý sẽ đặt mua, và nhìn thấy rõ mức chiết khấu trên từng món hàng. Khi đại lý đặt mua xong, mọi khâu giao hàng, nhận tiền,... đều do Thế Giới Di Động đảm nhiệm.

Khách mua hàng qua đại lý cũng nhận toàn bộ các ưu đãi như khi mua hàng trên Thế Giới Di Động.

Cạnh tranh với công ty phân phối

Thông thường các cửa hàng nhỏ lẻ không trữ hàng mà hàng hoá sẽ nằm tại kho nhà phân phối. Khi có khách đặt mua, cửa hàng sẽ gọi điện để nhà phân phối giao sản phẩm tới. 

Trong mô hình cộng tác viên, Thế Giới Di Động đóng vai trò tương tự như nhà phân phối.

Ông Hiểu Em cho biết, Thế Giới Di Động đang có lợi thế so với nhà phân phối ở mạng lưới cửa hàng và mức chiết khấu. Trên toàn quốc, chuỗi này đang có khoảng 2.500 cửa hàng, lớn hơn so với công ty phân phối.

Bên cạnh đó, do chiếm thị phần lớn nên Thế Giới Di Động nhận được chính sách ưu đãi rất tốt từ các hãng, do đó mức chiết khấu chuỗi này nhận được rất cạnh tranh so với các bên.

Do đó, chiết khấu chuỗi này dành cho phía cửa hàng cộng tác viên cũng cạnh tranh so với mức hiện tại họ mua từ nhà phân phối.

Nếu mô hình này thành công, rõ ràng miếng bánh của nhà phân phối sẽ nhỏ lại. Về cơ bản, Thế Giới Di Động đang đặt một chân vào mảng bán sỉ.

“Hiện nay chúng tôi vẫn dừng lại ở mô hình cộng tác viên. Về lý thuyết chúng tôi hoàn toàn có thể trở thành nhà phân phối, tuy nhiên Thế Giới Di Động chưa có kế hoạch cho việc này”, ông Hiểu Em trả lời ICTnews.

Tiếp cận 6.000-7.000 xã phường

CEO Thế Giới Di Động ước tính Việt Nam có khoảng 6.000-7.000 xã, phường. Trong khi đó, hết năm nay chuỗi này mới chỉ đạt 3.000 cửa hàng, dư địa còn rất lớn. Chỉ các cửa hàng nhỏ với chi phí thấp mới có thể duy trì tại khu vực nông thôn, ngoại thành. Do đó việc bắt tay với các cửa hàng truyền thống này sẽ giúp chuỗi bán lẻ mở rộng thị phần.

Trên website Thế Giới Di Động hiện đã mở mục để các đại lý có thể tìm hiểu về việc trở thành cộng tác viên. Khi nhận được yêu cầu, phía công ty này sẽ xác thực vị trí của cửa hàng đại lý để đảm bảo vị trí cửa hàng không chồng lấn với cửa hàng Thế Giới Di Động đang kinh doanh. Sau đó, quá trình phê duyệt sẽ thực hiện trong vòng 2 ngày.

Một số người lo ngại sau khi có được mức chiết khấu cao, các cửa hàng có thể chấp nhận cắt một phần lợi nhuận của mình để giảm giá sản phẩm so với giá niêm yết của Thế Giới Di Động nhằm hút khách.

Ông Hiểu Em cho biết, không can thiệp vào chính sách kinh doanh của đại lý, các cửa hàng có thể tự quyết định giá bán của họ. Thế Giới Di Động khi thực hiện mô hình này cũng đã chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận để mở rộng thị trường.

“Thực tế chúng tôi không mất gì cả. Doanh thu, lợi nhuận vẫn vậy. Khi có mạng lưới bán hàng rộng hơn, chúng tôi sẽ gia tăng doanh thu, mở rộng thị trường”, ông Hiểu Em giải thích.

Mô hình này của Thế Giới Di Động giúp các cửa hàng nhỏ lẻ có thêm đối tác cung cấp hàng, với mức chiết khấu cao và hệ thống giao hàng rộng khắp. Tuy vậy, các cửa hàng vẫn không có được hàng hoá trữ sẵn tại chỗ để hút khách, mà vẫn phải cho khách lựa chọn thông qua website và chờ được giao hàng.

Một chuyên gia trong ngành cho rằng, việc bắt tay với Thế Giới Di Động sẽ có hai luồng ý kiến. Một nhóm đại lý cảm thấy hài lòng vì làm việc và bán hàng cho một đối tác uy tín. Tuy nhiên nhóm khác có thể nghi ngại vì đang chỉ bán hàng giúp Thế Giới Di Động, việc giao hàng và thanh toán đều phụ thuộc chuỗi này, bản thân cửa hàng của họ không đóng vai trò chủ động.

Quy mô thị trường bán lẻ điện thoại di động khoảng 10 tỷ USD và đang không tăng trưởng. Do đó các chuỗi lớn đang tìm cách mở rộng thị phần bằng mọi cách để đảm bảo tăng trưởng. Sau khi mở rộng ngành hàng mới như đồng hồ, mở chuỗi điện máy siêu nhỏ, mở chuỗi điện thoại giá rẻ, nay Thế Giới Di Động quyết định thử nghiệm mô hình cộng tác viên.

“Mô hình này vẫn là bước thử nghiệm của chúng tôi như rất nhiều thử nghiệm khác”, ông Hiểu Em khẳng định. Do đó ông chưa đưa ra dự đoán nào về kỳ vọng doanh thu hay số lượng đại lý cho mô hình mới.

Hải Đăng

Đứng số 1 Campuchia, Thế Giới Di Động chuẩn bị tiến ra thị trường ASEAN

Đứng số 1 Campuchia, Thế Giới Di Động chuẩn bị tiến ra thị trường ASEAN

Mô hình nước ngoài ở Campuchia đã hoàn thiện, Thế Giới Di Động đang chuẩn bị tiến ra các thị trường khác trong khu vực ASEAN.