{keywords}
(Ảnh: CNBC)

Theo dữ liệu của hãng phân tích blockchain Chainalysis, tổn thất do tội phạm liên quan đến tiền điện tử năm 2021 tăng 79% so một năm trước, đạt 14 tỷ USD. Lừa đảo là hình thức tội phạm liên quan đến tiền điện tử phổ biến nhất, tiếp đó là trộm cắp – phần lớn xảy ra qua tấn công vào các doanh nghiệp tiền ảo. Chainalysis cho biết DeFi đóng vai trò lớn trong cả hai. Đây là lời cảnh báo cho những ai đang tham gia vào phân khúc mới nổi này.

Hãng phân tích nhận định DeFi là một trong lĩnh vực hấp dẫn nhất của hệ sinh thái tiền ảo, mang đến cơ hội khổng lồ cho doanh nhân và người dùng. Tuy nhiên, nó cũng tạo điều kiện cho hành vi lừa đảo, trộm cắp diễn ra trên diện rộng.

Mục tiêu của DeFi là loại bỏ các bên trung gian như ngân hàng khỏi các giao dịch tài chính truyền thống, chẳng hạn bảo lãnh khoản vay. Với DeFi, ngân hàng và luật sư được thay thế bằng hợp đồng thông minh (smart contract). Hợp đồng thông minh viết trên một blockchain công khai, như ethereum hay solana và thực thi khi đáp ứng điều kiện nhất định, không cần tới trung gian.

Giao dịch DeFi tăng 912% trong năm 2021, theo thống kê của Chainalysis. Lợi nhuận từ các tiền ảo phi tập trung như Shiba Inu cũng tạo ra cơn sốt. Dù vậy, có nhiều yếu tố rủi ro khi giao dịch trong hệ sinh thái tiền ảo này.

Một vấn đề với DeFi, theo Giám đốc nghiên cứu Kim Grauer của Chainalysis, là nhiều giao thức mới được tung ra tồn tại các lỗi lập trình mà tin tặc có thể khai thác được. 21% các vụ tấn công năm 2021 lợi dụng những lỗ hổng như vậy.

Dù có các doanh nghiệp công bố các giao thức an toàn và thực hiện kiểm định mã, nhiều người vẫn lao vào những nền tảng không đáng tin mà bỏ qua bước tìm hiểu vì cho rằng họ sẽ nhận được lợi nhuận khổng lồ.

Trộm cắp tiền ảo tăng 516% so với năm 2020, lên 3,2 tỷ USD. Trong số này, 72% xuất phát từ các giao thức DeFi. Thiệt hại từ lừa đảo tăng 82%, lên 7,8 tỷ USD, trong đó, hơn 2,8 tỷ USD đến từ “kéo thảm” (rug pull). Đây là hình thức các nhà phát triển tạo ra các dự án tiền ảo có vẻ tin cậy và ôm tiền của nhà đầu tư chạy trốn.

Tội phạm liên quan tiền điện tử có thể lập kỷ lục song các chuyên gia cũng lưu ý, tăng trưởng trong hoạt động sử dụng tiền ảo hợp pháp vượt xa tăng trưởng của các hành vi tội phạm. Đây có lẽ là bất ngờ lớn nhất, theo Chainalysis. Báo cáo của hãng nhận định tội phạm đang trở thành một phần ngày càng nhỏ bé của hệ sinh thái tiền ảo.

Theo các nhà nghiên cứu, yếu tố kìm hãm các hành vi tội phạm là do công cụ của nhà hành pháp và tính minh bạch của công nghệ blockchain. Không như tiền mặt hay các hình thức giao dịch khác, mỗi giao dịch trong blockchain đều được lưu trong sổ cái công khai và với công cụ phù hợp, hoàn toàn xem được bao nhiêu hoạt động tiền ảo liên quan đến tội phạm. Các nhà chức trách gặt hái thành công lớn khi tận dụng sự minh bạch của blockchain để điều tra và đánh sập hoạt động phi pháp.

Chẳng hạn, tháng 11/2021, cơ quan Điều tra hình sự IRS cho biết đã tịch thu hơn 3,5 tỷ USD tiền ảo trong năm 2021, chiếm 93% lượng tiền tịch thu được trong năm của đơn vị này. Những chiến tích khác còn phải kể đến vụ tịch thu 56 triệu USD của Bộ Tư pháp Mỹ trong cuộc điều tra lừa đảo tiền ảo, tịch thu 2,3 triệu USD từ băng nhóm mã độc tống tiền đứng sau vụ tấn công Colonial Pipeline hay số tiền không được tiết lộ trong cuộc điều tra tài trợ khủng bố của Israel.

Du Lam (Theo CNBC)