Thông tin vừa được công bố tại Diễn đàn Chính sách “Dữ liệu lớn trong kinh tế và quản lý” do Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức sáng 2/4 ở Hà Nội.

Khan hiếm nhân lực về khoa học dữ liệu

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Đàm Thanh Tú, Bộ môn Toán – Kinh tế, Học viện Chính sách và Phát triển, nhận định khoảng cách giữa khả năng đào tạo nhân lực phân tích dữ liệu và nhu cầu nhân lực phân tích dữ liệu ngày càng lớn.

Ông Tú dẫn số liệu nghiên cứu của Accenture cho biết, tại Mỹ, 80% các công việc liên quan đến phân tích dữ liệu mới được sinh ra trong khoảng năm 2010 đến năm 2011 vẫn chưa tìm được ứng viên nhận làm. Riêng nước Mỹ tạo ra 400.000 việc làm mới liên quan đến phân tích dữ liệu trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2015 nhưng chỉ có thể tạo ra được 140.000 học viên tốt nghiệp mới đáp ứng được công việc này.

Hoặc theo Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey, nhu cầu thế giới về những người có đủ kỹ năng để tạo ra tri thức từ dữ liệu lớn sẽ vượt 50% so với nguồn cung, trong đó chỉ riêng nước Mỹ cần đến 490.000 người, trong khi đào tạo và nguồn cung thu hút từ các nước khác chỉ được gần 200.000 người.

Những lý do chính gây thiếu hụt nhân lực phân tích dữ liệu là do công việc này đòi hỏi tiêu chuẩn khá cao, cụ thể: Vừa phải nắm được kỹ thuật thống kê và khai phá dữ liệu, vừa phải biết lập trình và quản trị dữ liệu lớn, đa dạng về cấu trúc, tốc độ truyền tải nhanh; Cần có hiểu biết về doanh nghiệp hoặc các ngành công nghiệp cụ thể, nơi mà các kết quả phân tích được ứng dụng; Cần kỹ năng giao tiếp tốt, kỹ năng trình bày báo cáo dễ hiểu để giúp doanh nghiệp ra quyết định kịp thời...

“Sự khan hiếm nhân lực về khoa học dữ liệu trên thị trường quốc tế là cơ hội cho các nước có nền tảng toán học và các ngành khoa học tự nhiên tốt ở bậc phổ thông như Việt Nam. Thế giới vẫn còn thiếu 6 triệu chuyên gia phân tích dữ liệu, cơ hội nằm ở những bộ não linh hoạt, điều mà người trẻ Việt Nam có lợi thế…”, TS. Đàm Thanh Tú dẫn lại nhận định của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

Bản thân TS. Tú cũng nhấn mạnh: “Chuyên gia phân tích dữ liệu đang nổi lên như một nghề được săn lùng nhiều nhất và có mức lương đứng trong top 10 ngành nghề có mức thu nhập cao nhất. Tuy nhiên, đang có sự thiếu hụt lớn nguồn nhân lực này. Đây chính là cơ hội cho các nước có nền tảng toán học và các ngành khoa học tự nhiên tốt ở bậc phổ thông như ở Việt Nam”.

Toàn cảnh Diễn đàn Chính sách "Dữ liệu lớn trong kinh tế và quản lý" sáng 2/4 ở Hà Nội.

Bắt đầu “ươm mầm” tại Việt Nam

Thực tế tại Việt Nam hiện nay, việc đào tạo chính quy cử nhân về khoa học dữ liệu hay phân tích dữ liệu chưa được các trường đại học ở Việt Nam chú trọng, mà chỉ có các chuyên ngành gần gần với đó như khoa học máy tính, khoa học thông tin, thống kê trong kinh tế và kinh doanh…

“Các trường đại học cần đẩy mạnh các chương trình đào tạo về khoa học dữ liệu nói chung, khoa học về phân tích dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh để bù đắp sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này”, TS. Đàm Thanh Tú khuyến nghị.

Ông Tú cũng cho biết, trường đại học đầu tiên của Việt Nam đào tạo chính quy bậc cử nhân về chuyên ngành khoa học dữ liệu là Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia TP.HCM với 50 chỉ tiêu trong mùa tuyển sinh năm 2018.

Dự kiến mùa tuyển sinh năm 2019 sẽ có thêm một số trường đào tạo khoa học dữ liệu hoặc phân tích dữ liệu. Cụ thể: Đại học Bách Khoa với chuyên ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; Đại học Kinh tế Quốc dân với chuyên ngành khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh; Học viện Chính sách và Phát triển với chuyên ngành phân tích dữ liệu lớn trong kinh tế và kinh doanh.

Chương trình đào tạo của các trường phân hóa theo 2 hướng: Đào tạo nhân lực trở thành nhà khoa học dữ liệu, mục tiêu là đào tạo ra những “bộ não” của khoa học dữ liệu, đảm nhiệm việc xử lý và lưu trữ dữ liệu, viết code/thuật toán để tạo ra các sản phẩm từ nguồn dữ liệu lớn; Trở thành nhà phân tích dữ liệu trong các lĩnh vực.

“Để theo ngành này, các bạn trẻ cần có năng lực nhất định về toán học, công nghệ thông tin. Chuẩn đầu vào phải tương đối tốt. Nếu chỉ có năng lực về kinh tế mà không có năng lực về công nghệ thì không học được, TS. Đàm Thanh Tú trao đổi thêm với ICTnews.