Bộ TT&TT đã xác định rõ, đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức 4 là một chỉ tiêu quan trọng cần đạt để mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử được hoàn thành trong năm 2021 và mở đầu cho giai đoạn thực hiện chiến lược Chính phủ số.

Vì thế, các tháng vừa qua, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Tin học hóa đã liên tục đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên mức 4.

Thông tin từ Cục Tin học hóa, sau 4 tháng triển khai, tỉnh Ninh Bình hiện đã cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh tại địa chỉ http://dichvucong.ninhbinh.gov.vn. Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng trong tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh Ninh Bình.

{keywords}
Hiện tại, người dân và doanh nghiệp tại Ninh Bình không còn phải trực tiếp đến các cơ quan, đơn vị để thực hiện 1.226 dịch vụ công (Ảnh minh họa: baoninhbinh.org.vn)

Trong 1.226 dịch vụ công đủ điều kiện đã được Ninh Bình cung cấp trực tuyến mức 4 cho người dân, doanh nghiệp, có 1.002 dịch vụ cấp tỉnh, 151 dịch vụ cấp huyện, 55 dịch vụ cấp xã, 18 dịch vụ của BHXH và Công an tỉnh.

Với kết quả này, Ninh Bình đã gia nhập nhóm các địa phương đi đầu, hoàn thành chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trước thời hạn quy định của Bộ TT&TT. Kết quả này cũng góp phần để chỉ tiêu đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức 4 của cả nước sớm được hoàn thành.

Chia sẻ kinh nghiệm để Ninh Bình về đích trước thời hạn, đại diện Sở TT&TT tỉnh này cho biết, bên cạnh việc sớm có kế hoạch cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện ở mức độ 4 và tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đáp ứng yêu cầu với Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2021, còn là sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong triển khai.

Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Ninh Bình với Bộ TT&TT (Cục Tin học hóa); cũng như nỗ lực làm của các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã và các doanh nghiệp công nghệ trong, ngoài tỉnh.

{keywords}
Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh tại địa chỉ http://dichvucong.ninhbinh.gov.vn

Đại diện Sở TT&TT tỉnh Ninh Bình cho biết thêm, trước khi cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên mức 4, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy số lượng hồ sơ trực tuyến mức 4 trong giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức 4 từ đầu năm 2021 đến ngày 30/8 mới đạt khoảng 15%, tập trung vào một số lĩnh vực như chứng thực, đường bộ, xúc tiến thương mại.

Do vậy, để phát huy hiệu quả của các dịch vụ công trực tuyến mức 4 đã cung cấp, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan triển khai các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân và doanh nghiệp tăng cường sử dụng các dịch vụ này và coi đây là một trong những biện pháp góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, rà soát, lựa chọn các dịch vụ công trực tuyến mức 4 đưa vào danh sách không tiếp nhận hồ sơ trực tiếp; tập trung nghiên cứu các cơ chế, chính sách khuyến khích tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 4 của tỉnh; khuyến khích các ngân hàng mở rộng việc cung cấp tài khoản thanh toán trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Sở TT&TT Ninh Bình sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Tin học hóa để tăng cường kết nối, khai thác hiệu quả dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để giảm thiểu yêu cầu giấy tờ khi người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến; kết nối với hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến (hệ thống EMC) để theo dõi trực tuyến tình hình cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh…

Vân Anh

12 bộ, tỉnh chưa ban hành kế hoạch cung cấp dịch vụ công online mức 4 năm 2021

12 bộ, tỉnh chưa ban hành kế hoạch cung cấp dịch vụ công online mức 4 năm 2021

Đến cuối tháng 8, vẫn còn 2 bộ và 10 tỉnh, thành phố chưa ban hành kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 năm 2021. Bộ TT&TT đề nghị các bộ, tỉnh này xây dựng và triển khai ngay kế hoạch.