Theo cơ quan phát triển và quản lý ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) Trùng Khánh, thành phố này luôn hướng tới việc tích hợp dữ liệu. Thành phố đã tối ưu hoá hệ thống dịch vụ để mở rộng dữ liệu từ luật, quy định, tiêu chuẩn, nền tảng, ứng dụng sáng tạo và phát triển thị trường dữ liệu.

Hơn 800 mục dữ liệu đã được Trùng Khánh đưa lên mạng công khai, gồm cả 48 cơ quan sở ban ngành các lĩnh vực từ quản lý giám sát thị trường, thuế, tư pháp, giao thông vận tải… Nhưng thương hiệu thành phố thông minh của Trùng Khánh đến từ việc ứng dụng giải pháp thông minh giải bài toán xử lý nước thải và kết hợp hài hoà yếu tố thiên nhiên cùng công nghệ.

Xử lý nước thải thông minh

Sau hàng thập kỷ đô thị hoá và ô nhiễm, Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng, và Trùng Khánh không phải là ngoại lệ. Do điều kiện tự nhiên, hàng năm Trùng Khánh đón nhận lượng mưa lên tới hơn 1.000 mm, tập trung chủ yếu vào mùa hạ và mùa thu, tạo ra áp lực không nhỏ đối với các giải pháp thoát nước. Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm khiến lượng nước sẵn có hầu như không thể sử dụng.

{keywords}
 

Nhằm đối phó với nguy cơ lũ lụt và tái sử dụng 70% lượng nước mưa, Trùng Khánh trở thành hình mẫu đầu tiên áp dụng mô hình “thành phố bọt biển”. Thành phố bọt biển là sáng kiến của Trung Quốc kể từ năm 2013 nhằm tận dụng các yếu tố địa hình tự nhiên giữ nước mưa, làm chậm dòng chảy và lọc sạch tái sử dụng.

“Hơn bao giờ hết, khi đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu và các công nghệ công nghiệp huỷ hoại môi trường, con người cần suy nghĩ lại về cách xây dựng các thành phố, cách thức xử lý nước cũng như tự nhiên, thậm chí là cách con người định nghĩa nền văn minh”, giáo sư Kongjian Yu, người đứng đằng sau khái niệm “thành phố bọt biển” cho biết.

Các giải pháp chủ yếu bao gồm chống thấm sàn lát gạch cho vỉa hè và lòng đường, tăng số lượng cây xanh và tòa nhà thông minh với mái nhà được phủ cỏ nhằm hấp thụ nước tốt hơn, cùng màu sơn sáng giúp phản xạ nhiệt.

Cùng với đó, chính quyền thành phố sử dụng giải pháp thoát nước đô thị thông minh, với mạng lưới cảm biến được lắp đặt trong các đường ống, cho phép theo dõi dữ liệu theo thời gian thực và đưa ra các dự báo hiệu quả về môi trường.

Hệ thống được sử dụng để giám sát, phân tích và dự báo tình trạng hoạt động của hệ thống thoát nước, nguy cơ lụt lội trong đô thị, ảnh hưởng đối với địa chất tự nhiên cũng như hoạt động tái sử dụng nguồn nước.

Thông qua phần mềm phân tích xử lý tập trung các dữ liệu, chính quyền có thể bảo vệ người dân khỏi nguy cơ lũ lụt và hạn chế ô nhiễm đối với sông Dương Tử, con sông dài nhất châu Á và là nguồn cung cấp nước thiết yếu đối với người dân.

Thiên nhiên và công nghệ song hành

Trùng Khánh cũng đang xây dựng Cloud Valley, dự án thành phố thông minh sử dụng 100% trí tuệ nhân tạo trong mọi hoạt động từ giao thông công cộng cho tới sản xuất, thông qua nền tảng công nghệ cho phép kết nối liền mạch giữa thế giới kỹ thuật số và thế giới thực.

Cloud Valley rộng hơn 75.000 m2 được xây dựng bởi BIG, hãng kiến trúc đến từ Đan Mạch và Terminus, công ty công nghệ Trung Quốc. Thành phố sử dụng cảm biến và các thiết bị kết nối W để thu thập dữ liệu từ mọi thứ, từ thói quen ăn uống của người dân cho tới các chỉ số về ô nhiễm.

Theo Victor Ai, nhà sáng lập Terminus, dự án này nhằm đem tới cho người dân sự thoải mái và hiệu quả: các robot tự động bưng bê coffee hay ghế trong văn phòng có thể tự sắp xếp gọn gàng sau mỗi buổi họp.

“Ý tưởng gần giống với việc sống tại một ngôi làng mà ngay khi bạn xuất hiện, cho dù là lần đầu tiên, những người pha chế đã biết đồ uống yêu thích của bạn”, đại diện của BIG cho biết.

Các tiện ích của công nghệ được tích hợp vào mọi mặt đời sống, ngay cả trong phòng ngủ. “Khi ánh nắng chiếu vào nhà, cửa sổ phòng ngủ tự động điều chỉnh độ trong suốt cho ánh sáng tự nhiên chiếu qua đánh thức chủ nhà”, Terminus cho biết trên website, đồng thời nhấn mạnh tới các không gian xanh như vườn trên mái nhà.

“Ngay khi ánh sáng tràn ngập căn phòng, một quản gia ảo AI có tên Titan sẽ lựa chọn bữa sáng, trang phục cho người dùng phù hợp với tình trạng thời tiết và lịch trình làm việc trong ngày”.

Cloud Valley xây dựng các không gian sống cho con người, thực vật, động vật và thậm chí cả cuộc sống nhân tạo gồm văn phòng, nhà cửa, địa điểm công cộng, xe tự hành… hoạt động dưới sự giám sát liên tục của AI.

Tại đây, rào cản giữa thiên nhiên, con người, thế giới thực và kỹ thuật số cũng được xoá bỏ. “Khi môi trường xung quanh được trang bị tri giác và cảm biến… Cuộc sống thực sự có thể trở nên xuyên suốt do AI có thể nhận ra có người đang đến và tự động mở cửa mà không cần đợi người dùng phải lấy thẻ chìa khoá”, Bjarke Ingels, đồng sáng lập công ty BIG cho biết.

Vinh Ngô

100% tuyến đường bộ cao tốc sẽ lắp đặt hệ thống điều hành giao thông thông minh

100% tuyến đường bộ cao tốc sẽ lắp đặt hệ thống điều hành giao thông thông minh

Đây là một mục tiêu đến năm 2025 của Đề án “Xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.