Ngày độc thân 11/11 là sự kiện mua sắm mang doanh thu lớn nhất năm cho các trang thương mại điện tử tại Việt Nam, theo báo cáo của Criteo và các nền tảng mua bán online. Hàng triệu mặt hàng được bán ra trong ngày 11/11 năm nay, tuy nhiên sản phẩm Việt khá ít ỏi trong nhóm bán chạy.

{keywords}
Một tài xế giao hàng trên đường phố TP.HCM. (Ảnh: Hải Đăng)

Tiki, nền tảng thương mại điện tử đứng thứ hai tại Việt Nam về số lượng người truy cập, thống kê những thương hiệu được ưa chuộng nhất trong từng ngành hàng trong ngày 11/11. Những thương hiệu quốc tế chiếm hầu hết trong top 5 các ngành hàng có lượng bán tốt nhất. 

Trong 20 ngành hàng được thống kê, các nhãn hiệu của Việt Nam chiếm nhiều ở lĩnh vực thời trang, thể thao dã ngoại, sữa, nhà cửa đời sống. Hàng Việt vắng bóng hoàn toàn trong các nhóm hàng điện lạnh, laptop, máy tính, mỹ phẩm, TV, máy ảnh…

Cụ thể, trong nhóm hàng Việt được ưa chuộng có những tên tuổi đầu ngành như Vinamilk, TH True Milk, Biti’s, Thiên Long, Liên Á, Sunhouse. Trong đó, TH True Milk dẫn đầu ở nhóm sữa nước. Biti’s dẫn đầu ngành thể thao, dã ngoại. Vinamilk xuất hiện ở cả hai nhóm sữa nước và sữa công thức nhưng vị trí dẫn đầu thuộc đối thủ khác.

Các ngành có thương hiệu Việt chiếm số đông có Nhà cửa đời sống (IGA, Sunhouse, Liên Á), Văn phòng phẩm (VPP Deli, Thiên Long, Vinacal), Thể thao dã ngoại (Biti’s, PNG, Midoctor), Thời trang phụ kiện (Pagini, 5S, Gumac, CM). Ở 14 ngành hàng còn lại, hàng Việt chiếm cực kỳ ít, đa số không có.

Trong nhóm hàng điện tử, công nghệ nói chung, duy nhất thương hiệu Việt Vsmart xuất hiện trong ngành hàng điện thoại, máy tính bảng, còn lại là các thương hiệu Trung Quốc và toàn cầu. Một thương hiệu khác của Vingroup là Vinfast cũng có mặt ở mảng Ô tô, xe máy, xe đạp.

Những thương hiệu quen thuộc xuất hiện lặp lại ở các ngành hàng khác nhau có Samsung, Appple, Oppo, Xiaomi. Các nhãn hàng khác được mua nhiều cũng có LG, Electrolux, Sharp,...

Ngày độc thân 11/11, ngày hội bán hàng online giảm giá, xuất phát từ Trung Quốc rồi lan sang khu vực Đông Nam Á và một số nước khác trên thế giới. Trong Ngày độc thân vừa rồi, Alibaba ghi nhận doanh thu lên tới 74 tỷ USD, hơn gấp đôi năm ngoái.

Năm nay, nhà phân tích Jacques Penhirin nói trên trang CNBC, người Trung Quốc đã ít mua hàng nhập khẩu hơn so với năm ngoái. Các mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, làm đẹp vẫn có nhu cầu mua hàng ngoại cao, nhưng không bằng trước đây. Các mặt hàng điện tử cũng vậy.

Ông cho rằng, việc người Trung Quốc ít mua hàng quốc tế hơn trước không hoàn toàn vì lý do chính trị, mặc dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến nhiều người dân lục địa kêu gọi tẩy chay hàng Mỹ trên mạng xã hội.

Lý do chính khiến người Trung Quốc bớt sính hàng ngoại là do chất lượng hàng hoá trong nước được nâng cao. Nhiều thương hiệu nội địa đã có thời gian để chứng minh tên tuổi bên cạnh các nhãn hàng quốc tế.

Năm nay, doanh số kỷ lục trên các trang thương mại điện tử Trung Quốc có sự góp phần của trào lưu live stream bán hàng. Tất cả các nền tảng tại Việt Nam và một số nhà bán lẻ cũng bắt chước xu hướng này, thực hiện các buổi phát hình bán hàng trực tiếp.

Tiki cho biết doanh thu ngày 11/11 tăng trưởng mạnh 50% so với dịp 10/10 kỷ lục trước đó, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và 7 lần so với ngày thường. 

Trong khi đó, Shopee cho biết 600.000 sản phẩm được bán ra trong vòng 1 giờ tại Tp. Hà Nội vào ngày cao điểm 11/11. Tất cả các ngành hàng đều tăng trưởng mạnh. Trong đó, một nhà bán hàng thuộc ngành hàng thời trang đã đạt được doanh thu hơn 2 tỷ đồng trong ngày này.

Lazada ghi nhận lượng đơn hàng và khách hàng mua sắm trên LazMall trong ngày 11/11 tăng gấp đôi so với năm ngoái. Các sản phẩm bán chạy nhất (theo số lượng bán ra): thẻ nạp điện thoại, sữa, trang trí nhà cửa & nhà bếp, mặt nạ dưỡng da, sạc dự phòng.

Hải Đăng

Hàng chục ngàn smartphone bán ra trong Ngày độc thân 11/11 tại Việt Nam

Hàng chục ngàn smartphone bán ra trong Ngày độc thân 11/11 tại Việt Nam

Trong Ngày độc thân 11/11, ước tính hơn chục ngàn smartphone đã được bán ra trên các trang thương mại điện tử.