Hội thảo cuối kì Dự án “Khảo sát xác minh thành lập Trung tâm Giáo dục ICT nhằm nâng cao năng lực cho người khiếm thị” vừa được JICA, VBA và Công ty Nippon Telesoft phối hợp tổ chức.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Hội người mù Việt Nam (VBA) và Công ty Nippon Telesoft (Tokyo, Nhật Bản) vừa tổ chức buổi báo cáo cuối kì Dự án “Khảo sát xác minh thành lập Trung tâm Giáo dục ICT nhằm nâng cao năng lực cho người khiếm thị”, thuộc “Chương trình đề xuất từ các doanh nghiệp Nhật Bản” do JICA tài trợ.

VBA và Công ty Nippon Telesoft đã triển khai Dự án trên từ tháng 3/2017. Với mục đích nâng cao năng lực cho người khiếm thị, như tính độc lập và khả năng hòa nhập xã hội, VBA đã lắp đặt máy in và màn hình hiển thị chữ nổi do Công ty Nippon Telesoft sản xuất và phân phối tại Trung tâm Đào tạo và Phục hồi chức năng dành cho người khiếm thị (TRC); thành lập Trung tâm đào tạo CNTT và Truyền thông (ICT) tại Hà Nội do VBA quản lý và chi nhánh đào tạo tại Huế do Hội người mù tỉnh Thừa Thiên - Huế quản lý; xây dựng giáo trình đào tạo ICT, hướng dẫn tập huấn cho các giáo viên và đào tạo thực tế cho khoảng 70 học viên khiếm thị.

Nhằm tìm kiếm những công ty phù hợp dành cho những học viên đã có trình độ nhất định sau khi tham dự các khóa học ICT của Dự án, nhiều hoạt động giới thiệu, thảo luận để đưa ra những phương hướng hỗ trợ từ chính phủ và các cơ quan đoàn thể cũng đã được tổ chức.

Bên cạnh đó, Dự án còn tổ chức đào tạo các cán bộ có liên quan tại Nhật Bản để chia sẻ thông tin về chế độ dành cho người khuyết tật tại Nhật.

Tại buổi báo cáo cuối kỳ, ngoài nội dung đánh giá những kết quả đạt được từ Dự án, những ý kiến thiết thực để mở rộng các khóa học ICT và thành lập các trung tâm ICT, cũng như hỗ trợ việc làm cho cho người khuyết tật tại Việt Nam đã được đưa ra thảo luận.

Việt Nam hiện ước tính có 1 triệu người khiếm thị. Tuy nhiều chính sách giáo dục, hỗ trợ sinh hoạt dành cho người khiếm thị đã và đang được thực hiện, nhưng việc mở rộng giáo dục lên bậc cao đẳng hay tạo cơ hội việc làm chưa được thực hiện, khiến người khiếm thị khó có thể độc lập về kinh tế. Trước tình trạng trên, việc ứng dụng ICT là một trong những phương hướng để giải quyết vấn đề này đối với người khiếm thị.