Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KHCN cho rằng, công nghệ mới thông minh đã được áp dụng vào lĩnh vực giao thông để giải quyết các bài toán của giao thông thông minh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) vừa tổ chức Hội thảo về xu hướng và giải pháp công nghệ giao thông thông minh để tìm giải pháp phát triển các phương tiện xanh thông minh để giải các bài toán đô thị hiện nay như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Phát biểu tại hội thảo này, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng công nghệ mới đang hiện diện mọi khía cạnh đời sống trong đó có lĩnh vực giao thông. Những công nghệ mới thông minh đã được áp dụng vào lĩnh vực giao thông để giải quyết các bài toán của giao thông thông minh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Công Bằng, Phó vụ trưởng Vụ Vận Tải, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, các thiết bị giao thông được gắn các thiết bị điện tử, có thể giám sát hành trình xe, hàng. Hệ thống này sẽ giúp giao thông đô thị giám sát hành hình phục vụ quản lý. Ông Bằng dẫn chứng hãng MASK đã  đưa thiết bị theo dõi vào hàng hóa giám sát hành trình, nhiệt độ vào các container. Tương tự như vậy, vận tải hành khách cần giám sát bến xe và tuyến đường. Vì vậy, nếu chúng ta muốn phân luồng giao thông tốt cần phải áp dụng công nghệ thông minh trong hoạt động vận tải.

Bình luận về cách giải quyết vấn đề này, Tiến sĩ Lê Hùng Lân, Viện trưởng Viện ứng dụng công nghệ của Bộ KHCN cho rằng các thiết bị giao thông cần phải được gắn các phần tử thu thập thông tin là các cảm biến và truyền dữ liệu qua mạng di động băng rộng về trung tâm xử lý dữ liệu. Các thông tin này được phân tích cho đối tượng quản lý, thậm chí là cả những khuyến cáo cho người tham gia giao thông qua chiếc smartphone. Như vậy đây là mô hình giao thông thông minh để giảm ùn tắc và giảm ô nhiễm môi trường.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, Hà Nội đã ra quy định cấm xe máy nội đô vào năm 2030, nhưng có cấm xe điện hay không? Ông Tuấn cho rằng xe điện xanh có kết nối thông minh sẽ tích cực thúc đẩy giao thông thông minh. Tuy nhiên, về cơ chế cần thay đổi thói quen khi tham gia giao thông của người Việt. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần đưa ra các chính sách ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông dùng công nghệ mới xanh và thông minh.

Bình luận về vấn đề này, Tiến sĩ Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện CNTT, Đại học Bách Khoa Hà Nội nhấn mạnh, trong thành phố thông minh thì giao thông thông minh là quan trọng nhất. Tại Việt Nam, VinFast sản xuất xe thông minh có kết nối sẽ tạo ra nguồn dữ liệu rất quý cho quản lý giao thông.

“Muốn thông mình phải có cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu này như thế nào. Không có dữ liệu không thể thông minh được. Xe điện nếu không có hệ sinh thái này không thể phát huy hết đặc tính thông minh. Các hãng xe điện cũng cần có sự chung tay cộng hưởng, kết nối thành hệ sinh thái với các nhà phát triển ứng dụng như xác định vị trí giao hàng, dùng chung xe… giống như Apple sản xuất điện thoại nhưng quanh họ là các nhà phát triển ứng dụng làm phong phú hệ sinh thái. Làm được như vậy, xe điện Trung Quốc hiện nay (không thông minh, không kết nối) sẽ không cạnh tranh được ở nước ta”, ông Tạ Hải Tùng nói thêm.