Hôm nay, ngày 12/11, tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tổ chức hội thảo và triển lãm Ngày Internet Việt Nam - Internet Day 2019.

Internet Day là sự kiện được VIA chủ trì tổ chức lần đầu vào năm 2012 để kỷ niệm ngày Việt Nam chính thức hòa mạng Internet: ngày 19/11/1997. Năm nay, với chủ đề “Internet Việt Nam: Đổi mới sáng tạo để Chuyển đổi số”, hội thảo và triển lãm Internet Day 2019 muốn mang đến cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng Internet, ICT nước nhà những chia sẻ hữu ích và cởi mở hướng đến một cái nhìn toàn diện, chân thực nhất về bức tranh chuyển đổi số, nhận diện những trở ngại, thách thức, đề xuất những giải pháp và sáng kiến đổi mới, sáng tạo nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Phiên toàn thể sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải; nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực và nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải: Đổi mới sáng tạo là nhân tố quyết định thành công trong chuyển đổi số nền kinh tế

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải phát biểu tại phiên toàn thể sự kiện Internet Day 2019 được tổ chức tại Hà Nội ngày 11/12.

Trong phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải nhận định, sự kiện thường niên “Ngày Internet Việt Nam - Internet Day” do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức, đã có những đóng góp rất quan trọng trong quá trình phổ biến và phát triển Internet tại Việt Nam.

Thứ trưởng cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang mở ra nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia, các tổ chức và doanh nghiệp. Cuộc cách mạng này dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số, tạo ra cơ hội cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh và bền vững.

Nhận thức được cơ hội và thách thức, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, chương trình hành động. Đặc biệt, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Việc ban hành Nghị quyết đã thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc chủ động đón bắt những cơ hội được tạo ra từ cuộc cách mạng công nghiệp này.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp đặc biệt quan trọng đã được Nghị quyết xác định là xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp và xã hội. “Đề án Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2019, Đề án sẽ đưa ra một kế hoạch tổng thể để hướng tới một nền kinh tế và xã hội số toàn diện vào năm 2030. Một trong các nhiệm vụ, giải pháp được dự thảo Đề án xác định là tạo môi trường để phát triển các sản phẩm số, dịch vụ số, mô hình kinh doanh mới; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp công nghệ số”, Thứ trưởng cho biết.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải: Đổi mới sáng tạo là nhân tố quyết định thành công trong chuyển đổi số nền kinh tế

Trong khuôn khổ sự kiện Internet Day 2019, bên cạnh các hội thảo chuyên đề, còn có triển lãm các sản phẩm, giải pháp công nghệ số với quy mô 24 gian hàng.

Thông tin với các đại biểu dự Internet Day 2019, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho hay, năm nay Việt Nam đã và đang chứng kiến sự ra đời của nhiều doanh nghiệp công nghệ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực với nhiều mô hình kinh doanh mới, khẳng định rõ quyết tâm chuyển mình để trở thành những nhà cung cấp dịch vụ số và tiên phong kiến tạo xã hội số.

Năm 2019 cũng đánh dấu mốc quan trọng trong việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nghệ 5G tại Việt Nam, với việc Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm công nghệ 5G cho 3 doanh nghiệp viễn thông lớn, đồng thời hướng tới thương mại hóa công nghệ 5G trong thời gian tới, điều này tạo ra một hạ tầng đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế số, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về tốc độ và quy mô kết nối.

Năm nay, theo báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á thì nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu trong khu vực với hơn 40% một năm; Chỉ số đổi mới toàn cầu của Việt Nam được xếp hạng 42/129 quốc gia; với dân số hơn 96 triệu người, với khoảng hơn 60 triệu người sử dụng dịch vụ Internet, người dùng Việt Nam dành trung bình hơn 6 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan đến mạng Internet, khoảng 94% tỷ lệ người dùng ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày.

“Nhìn vào số liệu thống kê, có thể thấy rằng, phần lớn các hoạt động kinh tế, xã hội của chúng ta diễn ra trên môi trường Internet. Internet đã thâm nhập vào mọi mặt hoạt động của xã hội, làm thay đổi nhận thức xã hội, tạo ra những mô hình kinh doanh mới đột phá hơn, hiệu quả hơn, thúc đẩy quá trình tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn”, Thứ trưởng nói.

Đánh giá cao Hiệp hội Internet Việt Nam chọn chủ đề “Internet Việt Nam: Đổi mới sáng tạo để chuyển đổi số”, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo diễn ra thuận lợi nhất là trong môi trường Internet, môi trương số và vì đổi mới sáng tạo sẽ là nhân tố trọng yếu mang tính chiến lược quyết định sự thành công trong chuyển đổi số nền kinh tế.

Theo Ban tổ chức, phiên toàn thể buổi sáng của Internet Day 2019 gồm 3 phần xoay quanh chủ đề “Internet Việt Nam: Đổi mới sáng tạo để Chuyển đổi số”: Tổng quan về định hướng chính sách, tầm nhìn, chiến lược về chuyển đổi số cho Việt Nam; Đổi mới sáng tạo để chuyển đổi số, kinh nghiệm quốc tế; Tọa đàm về đổi mới sáng tạo để chuyển đổi số.

Trong buổi chiều cùng ngày 11/12, sẽ diễn ra 3 phiên hội thảo chuyên đề: Chiến lược, lộ trình và giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong hoàn cảnh Việt Nam; Startup công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam trong dòng chảy chuyển đổi số; Sự hợp nhất trong kinh tế Internet.

Ngoài ra, trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra các hoạt động triển lãm sản phẩm khởi nghiệp công nghệ và Bussiness Matching kết nối doanh nghiệp có ý tưởng đổi mới, sáng tạo và các Quỹ, Nhà đầu tư. Đồng hành cùng Internet Day năm nay là các đơn vị và chuyên gia hàng đầu ngành CNTT, Viễn thông, Công nghệ số, Kinh tế số… tại Việt Nam và trên thế giới như 1C Việt Nam, Facebook, VNPT, Viettel, DotAsia, VNG, NetNam, FPT Telecom, DZS, CMC Telecom, VTV Digital…