Ông Nikhilesh Goel, đồng sáng lập của Validus Capital, dẫn số liệu của McKinsey cho thấy trong năm 2016, Việt Nam có hơn 97% doanh nghiệp tư nhân nhưng lại chỉ nhận dưới 22% trên tổng số vốn do ngân hàng cấp cho toàn bộ nền kinh tế. Nhu cầu vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) có thể lên tới 21 tỷ USD.

Nhân viên một ngân hàng đang hỗ trợ khách. Ảnh: Hải Đăng

Mặc dù nhu cầu vốn lớn như thế nhưng các DNVVN khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng do vướng nhiều thủ tục, trong đó chủ yếu là tài sản thế chấp. Khác với các doanh nghiệp sản xuất có nhà xưởng hay tài sản bảo đảm, nhiều DNVVN hoạt động trong ngành dịch vụ không có tài sản hữu hình nên bị ngân hàng từ chối cho vay.

Thấy được khoảng trống tiềm năng này, các công ty fintech nhảy vào khai thác. Như Validus Capital là nền tảng kết nối cho vay giữa các nhà đầu tư với các DNVVN, là mô hình cho vay tín chấp giữa nhà đầu tư với doanh nghiệp gần như đầu tiên triển khai tại Việt Nam.

Validus Capital là nền tảng hỗ trợ tài chính cho DNVVN Iớn nhất Singapore, đã hoạt động thành công tại đảo quốc sư tử với mức giải ngân mỗi tháng khoảng 20 triệu đô la Singapore (hơn 340 tỷ đồng).

Không chỉ doanh nghiệp Singapore nhìn thấy tiềm năng của thị trường cho vay tín chấp nhắm vào nhóm khách không có khả năng tiếp cận ngân hàng, các công ty khởi nghiệp Việt Nam cũng đã triển khai mô hình tương tự ở nhóm khách hàng cá nhân.

Chẳng hạn các start-up Việt như Fiin, Interloan,... đều đang triển khai dịch vụ cho phép nhà đầu tư cá nhân có thể duyệt cho vay một cá nhân khác (peer-to-peer lending). Tương tự, star-up Gobear (Singapore) cũng triển khai gói dịch vụ cho vay cá nhân tại Việt Nam,...

Tất cả các doanh nghiệp tham gia vào thị trường cho vay đều cho rằng trở ngại về thủ tục khiến đa số khách hàng (cá nhân và doanh nghiệp) không thể tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Các công ty fintech sử dụng nền tảng công nghệ (AI, Big Data) để chấm điểm tín dụng của người vay, sau đó duyệt cho vay mà không cần thủ tục rườm rà.

Chẳng hạn, cá nhân vay tiền chỉ cần cung cấp ảnh tự chụp selfie, ảnh chụp CMND, các loại hoá đơn điện, nước,... là có thể được duyệt cho vay trên dưới 10 triệu đồng trong vòng chưa tới 1 giờ.

Tuy vậy, mô hình cho vay giữa cá nhân với nhau chứa đựng rủi ro, chẳng hạn người đi vay có thể “quỵt” tiền của các nhà đầu tư, do đó các nền tảng cho vay đều có những ràng buộc ban đầu.

Chẳng hạn, Interloan khi ra mắt tại Việt Nam chỉ duyệt vay cho nhân viên của các công ty có ký kết như McDonald's Việt Nam, Công ty Cổ phần BPO Mắt Bão, Công ty Cổ phần Bảo Hiểm Viễn Đông và Công ty Cổ phần Việt Money. Việc này nhằm bảo đảm các khoản nợ được trả đúng hạn, mô hình kinh doanh không bị lợi dụng.

Tương tự như vậy, khi bước chân vào Việt Nam, Validus chỉ cung cấp gói vay cho các doanh nghiệp là đối tác cung ứng của các công ty lớn.

Ví dụ một tập đoàn A có các nhà cung ứng sản phẩm B, C, D,... Khi các nhà cung ứng B, C, D đưa hàng vào cho A, nhận hoá đơn nhưng thông thường phải chờ một thời gian khá lâu mới được A thanh toán. Khi đó các nhà cung ứng có thể tải hoá đơn lên nền tảng của Validus để được nhận một khoản vay, dùng khoản vay này tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Các doanh nghiệp làm việc với Validus qua nền tảng Internet và trong vòng 48 giờ sẽ biết có được cấp vốn hay không. Khoản vay có thể ở mức 500-600 triệu đồng/lần.

Validus làm việc với các đối tác như Midicare, Unicons tại Việt Nam, và các công ty lớn khác tại Singapore để duyệt các khoản vay. Ảnh: Hải Đăng

Ông Nikhilesh Goel cho biết tại Singapore nền kinh tế đã trưởng thành, mọi thứ về dữ liệu rất minh bạch, do đó mô hình cho vay doanh nghiệp dễ triển khai. Tại Việt Nam dữ liệu doanh nghiệp còn hạn chế, do đó trước mắt đang hạn chế đối tượng doanh nghiệp được duyệt vay, tuy nhiên khi ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia nền tảng Validus thì dữ liệu sẽ đầy đủ hơn, việc duyệt vay cũng nhanh hơn, số tiền cho vay cũng lớn hơn.

Tại Singapore, tỷ lệ khách hàng quay lại vay tiếp lên đến 90%, cho thấy tiềm năng rất lớn của mô hình kinh doanh này.

Trả lời ICTnews, ông Hoàng Đức Trung, Phó tổng giám đốc của tập đoàn VinaCapital - đơn vị đầu tư cho Validus từ ngày đầu tại Singapore - cho biết rủi ro khi đầu tư vào mô hình kinh doanh này khá lớn. Tuy nhiên ông tin tưởng rằng cần có nguồn động lực để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, cần có nguồn vốn cấp cho các DNVVN thì doanh nghiệp Việt mới lớn mạnh.

Doanh nghiệp Việt Nam hiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng không dễ dàng, đôi khi phải “xin-cho” thì mới được cấp vốn, tuy nhiên các công ty fintech vào cuộc thì việc “xin-cho” sẽ bớt đi, mọi thứ rõ ràng minh bạch hơn - ông Trung nói.

Validus, Interloan, Fiin,... và nhiều nền tảng cho vay khác hiện chưa có giấy phép hoạt động kinh doanh chính thức cho mô hình của họ. Tất cả các bên đều cho biết đang làm việc chặt chẽ với Ngân hàng nhà nước và các bộ ngành liên quan để giúp hoàn thiện khung pháp lý, và cam kết tuân thủ luật định khi được ban hành.

“Tuy nhiên ngay cả tại Singapore khi chúng tôi triển khai dịch vụ cách đây hơn hai năm cũng chưa được cấp phép”, ông Nikhilesh Goel nói, sau đó công ty hoàn thiện hồ sơ và tuân thủ mọi luật định của quốc gia này khi luật ban hành. Validus đã triển khai dịch vụ tại Singapore, Indonesia, Việt Nam, và sắp tới sẽ mở tại Thái Lan.

“Chúng tôi tin tưởng mô hình thử nghiệm sand-box của Việt Nam và chắc chắn sẽ tuân thủ cao nhất luật sở tại”, CEO Validus nói.