Cú đáp trả của Facebook

Hôm thứ hai đầu tuần này, một thẩm phán liên bang ở Washington đã bác bỏ dự luật chống độc quyền của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) nhắm vào mạng xã hội Facebook.

Thẩm phán James Boasberg cho biết, FTC không nêu đủ chi tiết trong tuyên bố rằng Facebook có quyền lực độc quyền ở thị trường mạng xã hội. Ông cho cơ quan quyền lực độc lập của chính phủ Mỹ thời hạn 30 ngày để phản hồi và đưa ra các lập luận xác đáng hơn.

{keywords}
Thế độc quyền của Big Tech vẫn vững như kiềng ba chân.

Trong quyết định của mình, thẩm phán Boasberg nhận định, FTC không tạo ra lý lẽ đủ thuyết phục rằng Facebook chiếm 60% thị phần ở thị trường mạng xã hội. “Khiếu nại của FTC không tập trung vào câu hỏi quan trọng là Facebook đã và đang có bao nhiêu quyền lực để xác định một cách rõ ràng sản phẩm này có đang ở vị thế độc quyền hay không”, ông nói.

Đây chính là đòn đáp trả đầu tiên nhắm vào nữ chủ tịch 32 tuổi Lina Khan, người vừa tuyên thệ nhậm chức chủ tịch FTC cách đây hai tuần và cam kết chống độc quyền mạnh mẽ hơn nữa nhắm vào các công ty công nghệ hùng mạnh nhất nước Mỹ, gọi là nhóm Big Tech.

Cần phải sửa luật... 

“Có rất nhiều dữ kiện để chứng minh Facebook nắm thị phần thống trị và đây là một rào cản mà FTC phải vượt qua”, luật sư Alex Petros từ Washington cho biết.

Quyết định của tòa án một lần nữa cho thấy những trở ngại mà cơ quan thực thi chống độc quyền của Mỹ phải đối diện. Giới quan sát cho rằng, tòa án đã tạo ra một rào cản khó có thể vượt qua để chứng minh cáo buộc Big Tech đã phạm luật chống độc quyền.

“Không khó để nhận ra trong những vụ việc như thế này, luật chống độc quyền của Mỹ không có khả năng xử lý các vấn đề do các công ty công nghệ độc quyền tạo ra”, giáo sư Blake Reid của ĐH Luật Colorado nhận định.

{keywords}
FTC cần được trao nhiều quyền hơn. (trong ảnh: tân chủ tịch FTC, bà Lina Khan.)

Các nhà lập pháp ở Đồi Capitol đang tìm cách sửa luật để trao nhiều quyền hơn cho FTC và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Tuần trước, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã trình một loạt dự luật nhắm vào các Big Tech.

Dự luật này buộc các Big Tech phải thoát khỏi những mảng kinh doanh nhất định, đặt ra những giới hạn về cách cạnh tranh của Big Tech với những công ty cùng nền tảng và tạo ra rào cản khó khăn cho các vụ sáp nhập. Các khoản phí kiện tụng cũng sẽ được tăng để tăng doanh thu cho cơ quan hành pháp.

“Không thể nào dựa vào tòa án để giữ cho thị trường có tính mở, cạnh tranh và công bằng”, thượng nghị sĩ Amy Klobuchar của Đảng Dân chủ phát biểu sau quyết định bác bỏ của tòa án trong vụ Facebook. “Chúng ta cần khẩn trương làm mới luật chống độc quyền để phù hợp với những thách thức của nền kinh tế số”, bà nói trong một lời kêu gọi sửa luật và tăng viện trợ cho FTC và cơ quan giám sát của Bộ Tư pháp Mỹ.

Tuyên bố này của bà Klobuchar được chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ Viện Jerrold Nadler đồng tình ủng hộ và nhắc lại.

… nếu không Big Tech vẫn an toàn

Các vụ kiện nhắm vào Facebook bắt đầu nổi lên vào tháng 12/2020 dưới thời ông Donald Trump trong một nỗ lực trấn áp những gã khổng lồ công nghệ nước Mỹ. Trước đấy, Bộ Tư pháp đã có khiếu nại về sự độc quyền ở thị trường tìm kiếm của Alphabet (công ty mẹ Google) trong khi Hạ viện Mỹ cáo buộc các công ty công nghệ lạm dụng vị thế thống trị của mình.

Vụ kiện Facebook tập trung vào việc mạng xã hội này thâu tóm Instagram vào năm 2012 và WhatsApp vào năm 2014. Thay vì tạo ra sản phẩm cạnh tranh, Facebook lại làm theo phương châm của CEO Mark Zuckerberg là “mua lại tốt hơn là cạnh tranh”. 

Tuyên bố của thẩm phán James Boasberg cho thấy, dựa trên các điều luật hiện hành, các căn cứ để FTC tuyên bố Facebook độc quyền là chưa đủ cơ sở. 

Điều này có nghĩa là vấn đề cần phải được đưa ra thảo luận ở Quốc hội Mỹ, Jesse Lehrich, đồng sáng lập của tổ chức ủng hộ chống độc quyền với Big Tech, nêu quan điểm. 

Phương Nguyễn (theo Bloomberg)

Nữ giáo sư 32 tuổi sắp thành “cơn ác mộng” của Big Tech

Nữ giáo sư 32 tuổi sắp thành “cơn ác mộng” của Big Tech

Nhà Trắng vừa bổ nhiệm bà Lina Khan, Giáo sư Luật của Đại học Luật Columbia, làm Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), báo hiệu tương lai không êm ả với các hãng công nghệ lớn.