Social Commerce và livestream sẽ trở thành phương thức bán hàng phổ biến

Theo Báo cáo toàn cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam do Lazada thực hiện, Social Commerce (thương mại xã hội) sẽ là phương thức bán hàng phổ biến năm 2022 nhờ việc kết hợp giữa hình ảnh trực quan sinh động với nội dung đa chiều, gần gũi do người dùng tự sáng tạo.

Ngoài ra, Social Commerce cũng thu hút người dùng với việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như hình ảnh 3D, video 360 độ, trí thông minh nhân tạo AI, hay livestream… nhằm cải thiện giao diện thân thiện và cá nhân hoá, giúp người dùng có hành trình mua sắm thú vị, thoải mái.

Các tính năng như livestream, bình luận hoặc đánh giá sản phẩm đang trở nên phổ biến, giúp nhà bán hàng nâng cao được sự kết nối, tương tác với khách hàng.

{keywords}
Xu hướng bán hàng kết hợp giải trí sẽ dần phổ biến trên thương mại điện tử trong năm 2022.

Tại Việt Nam, xu hướng bán hàng qua livestream trước đây chỉ được một số ít nhà bán hàng nhỏ lẻ áp dụng hoặc xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử lớn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều thương hiệu lớn bắt đầu áp dụng hình thức này nhằm đa dạng hóa kênh bán hàng và giúp sản phẩm đến gần hơn với khách hàng.

Ví dụ, trong năm 2021 vừa qua, nhiều CEO của các công ty Việt Nam đã đích thân xuất hiện trên sóng livestream để bán hàng. Ngoài ra, các mặt hàng xa xỉ cũng đang làm quen với xu hướng livestream: theo ghi nhận của Brands Vietnam, một thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc đã tổ chức bán hàng livestream với sự góp mặt của các siêu mẫu hàng đầu Việt Nam. Hiện tại, với số lượng người sử dụng và độ phủ sóng của Internet đang ngày càng tăng, Việt Nam sẽ là thị trường đầy hứa hẹn cho sự phát triển của livestream và Social Commerce.

Bên cạnh hình thức bán hàng thông qua livestream thì dạng bài đánh giá, hay video ngắn ngày càng phát triển mạnh trên các trang mạng xã hội như: Instagram, TikTok, Facebook,... Đặc biệt trên nền tảng TikTok, các nội dung quảng cáo, khuyến mãi được truyền tải thông qua video ngắn với những chủ đề hấp dẫn người xem như: mở hộp, đánh giá sản phẩm... rất được ưa chuộng. Thời lượng video tối đa 1 phút khiến người xem nắm bắt thông tin sản phẩm nhanh chóng và đầy đủ. Trong đó, những nội dung "đập hộp" sản phẩm được mua từ các nền tảng thương mại điện tử đã giúp các TikToker thu hút nhiều người xem.

Mua bán đa kênh và đa dạng phương thức thanh toán

Với thế mạnh về công nghệ tiên tiến và nguồn dữ liệu lớn, các nền tảng thương mại điện tử cho phép nhà bán hàng mở rộng khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ trên đa dạng kênh và thiết bị. Do đó, ngày càng nhiều thương hiệu và nhà bán hàng tham gia kinh doanh trên thương mại điện tử nhămd đa dạng hóa kênh bán hàng, từ đó tiếp cận người dùng hiệu quả hơn, tăng khả năng bỏ hàng vào giỏ và tái mua sắm của người dùng.

Mua sắm đa kênh không chỉ mang lại lợi ích cho nhà bán hàng trực tuyến mà còn cả nhà bán hàng ngoại tuyến, thông qua việc đẩy mạnh mối quan hệ với khách hàng và tăng mức độ bao phủ thương hiệu.

Ngoài ra, để thúc đẩy mua bán trực tuyến, việc đa dạng hóa kênh thanh toán sẽ tăng mạnh trong năm 2022. Theo báo cáo từ Appota, tỷ lệ người tiêu dùng Việt Nam sử dụng ví điện tử để giao dịch tại các nền tảng thương mại điện tử vào năm 2021 là 14% và dự kiến đạt hơn 22% trong hai năm tới. Việc thanh toán bằng ví điện tử trở nên phổ biến và có khả năng thay thế phương thức thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (COD) trong tương lai gần.

Tuy nhiên, các mối lo liên quan đến tính an toàn và bảo mật vẫn còn hiện hữu, đặc biệt là với những người ở nông thôn hoặc nhóm người trung niên và lớn tuổi chưa có cơ hội tiếp cận nhiều với công nghệ. Vì vậy, các bên cung cấp giải pháp thanh toán cần đưa ra những cam kết mạnh mẽ về vấn đề đảm bảo an ninh và bảo mật khi sử dụng các phương thức thanh toán qua ví điện tử, từ đó xây dựng và củng cố niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam.

Những cam kết này cũng đóng vai trò là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của phương thức thanh toán kỹ thuật số trong tương lai.

Xu hướng cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm của người dùng

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã phát triển vượt bậc và ghi nhận những con số ấn tượng trong năm 2021. Trong đó, thói quen mua sắm mới của người tiêu dùng đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của thương mại điện tử và là tiền đề tạo nên động lực phát triển trong năm 2022, khi mua sắm trực tuyến đang dần trở thành một phần trong cuộc sống của người dân.

Mục đích của việc cá nhân hóa chính là nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Với sự cho phép từ khách hàng, các thông tin liên quan đến trải nghiệm mua sắm đa kênh được tổng hợp và đóng vai trò nòng cốt giúp nền tảng thương mại điện tử và các nhà bán hàng cải thiện hành trình cá nhân hóa mua sắm. Việc ứng dụng công nghệ AI đóng một vai trò quan trọng để thu thập và xử lý thông tin, giúp các nền tảng thương mại điện tử thấu hiểu khách hàng hơn và thiết kế những trải nghiệm riêng dành cho họ.

Phương Uyên

Thương mại điện tử tất bật những ngày sát Tết

Thương mại điện tử tất bật những ngày sát Tết

Những ngày cuối cùng của năm Âm lịch, sức mua trên thương mại điện tử vẫn tăng cao khiến các bên phải liên tục bổ sung hàng hoá và tối ưu giao nhận.