Theo đánh giá của Shopee, lễ hội mua sắm 11.11 được mong chờ nhất trong khu vực Đông Nam Á và dự báo đây sẽ là sự kiện mua sắm lớn nhất từ trước đến nay.

{keywords}
Một quảng cáo của Lazada năm ngoái. (Ảnh: Hải Đăng)

Trước đây, các sự kiện mua hàng giảm giá như Black Friday hay Cyber Monday thường thống trị thế giới. Tuy nhiên kể từ vài năm nay, sau khi Alibaba tôn vinh sự kiện mua sắm 11.11 (còn gọi là Ngày độc thân), quy mô của ngày này vượt lên trên và trở thành chuỗi ngày mua sắm lớn nhất toàn cầu xét về doanh thu.

Tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, các nền tảng như Shopee, Lazada (được sở hữu bởi các ông chủ Trung Quốc) cũng mạnh tay chạy nhiều chương trình giảm giá trong ngày này, biến nó trở thành dịp mua sắm trực tuyến quan trọng nhất trong năm.

Shopee cho biết, số lượng nhà bán hàng và thương hiệu hoạt động trên nền tảng đã tăng trưởng 60% vào năm 2021. Trong đó, số lượng người dùng mới tăng lên rõ rệt sau các sự kiện giảm giá, chẳng hạn cứ 3 người mua sắm tại sự kiện 9.9 vừa qua thì có 1 người dùng lần đầu mua hàng trên Shopee. 

Năm nay, nền tảng này tung ra các chương trình giảm giá đến 50%, tung các phiếu ưu đãi tổng trị giá hàng tỷ đồng, miễn phí vận chuyển... và kỳ vọng sẽ tăng trưởng lớn lượng người dùng mới. 

Ngoài ra, sự kiện này còn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh số cho các doanh nghiệp địa phương. Nền tảng này cho biết vào năm 2021, hơn 8 triệu gian hàng của các doanh nghiệp địa phương đã được đăng ký và bắt đầu kinh doanh trên Shopee. 

Phía Lazada cũng tăng gấp đôi số lượng phiếu giảm giá so cùng kì năm ngoái. Đồng thời ưu đãi hơn 10 triệu sản phẩm với mức giảm giá có thể trên 50%. Song song đó, công ty khuyến khích nhà bán hàng mới bằng gói ưu đãi khi lên sàn, đồng thời tạo một cuộc thi giữa những nhà bán để thúc đẩy doanh số.

Trên thực tế, lễ hội mua sắm 11.11 được các sàn thương mại điện tử kích hoạt sớm kể từ đầu tháng 11. Các nền tảng như Shopee, Tiki, Lazada không bỏ lỡ dịp quan trọng này nên đã có các chương trình giảm giá từ 1/11. Năm ngoái, trong vòng 11 ngày, Alibaba đạt được doanh thu 74,1 tỷ USD, cao gấp 21 lần so với hai ngày sự kiện Prime Day của Amazon.

Năm nay, MoMo cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Ứng dụng đa ngành này bắt đầu sự kiện 11.11 ngay từ ngày đầu tiên của tháng 11 với chương trình giảm giá khi thanh toán dịch vụ như: Mua sắm, đổ xăng, nạp tiền điện thoại, thanh toán các loại hoá đơn, du lịch - đi lại, ăn uống, làm đẹp và chăm sóc sức khỏe. Các gói giảm giá này có giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Riêng ngày 11/11, ví điện tử cho biết sẽ tung ra hàng triệu chương trình hoàn tiền 50% tại siêu thị, đổ xăng, mua sắm thương mại điện tử và cơ hội nhận các quà giá trị. Ngoài ra, người dùng có thể tận dụng ví trả sau của MoMo để mua trước, trả sau.

Để chuẩn bị cho việc giao nhận nguồn hàng lớn trong dịp mua sắm sắp tới, các sàn thương mại điện tử cũng buộc phải tăng cường hiệu quả của bộ phận giao vận.

Phía Lazada thông tin, đã bổ sung thêm hàng ngàn đối tác giao hàng và chia chọn hàng hóa. Nền tảng này ứng dụng công nghệ AI trong thiết kế tuyến đường giao nhận để giao hàng sớm nhất. Bên cạnh đó, thành lập thêm 5 trung tâm chia chọn phân loại vệ tinh và phát hàng mới ở 5 quận huyện tại TP.HCM, giúp chia nhỏ lưu lượng hàng hóa, tăng thêm năng lực vận hành và rút ngắn thời gian giao hàng. 

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, các bên chủ động phòng chống dịch với đội ngũ nhân viên đã được tiêm phòng vắc xin đầy đủ và xét nghiệm Covid-19 định kì 3 ngày/ lần, thực hiện nghiêm chỉnh quy định 5K với bộ kit sát khuẩn và tiếp tục áp dụng phương thức giao hàng không tiếp xúc.

Hải Đăng

Giao dịch không tiền mặt tăng mạnh trong tháng 9, tháng 10

Giao dịch không tiền mặt tăng mạnh trong tháng 9, tháng 10

Trong hai tháng gần đây, các giao dịch thanh toán số trên nhiều lĩnh vực ghi nhận sự gia tăng mạnh so với cùng kỳ.