Khi tin đồn Tiki và Sendo sáp nhập đưa ra, nhiều chuyên gia dự báo sự hợp lực của hai sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong nước sẽ giúp gia tăng sức cạnh tranh với những thế lực mạnh trong khu vực. Tuy nhiên, cái bắt tay giữa Tiki và Sendo sụp đổ, đặt dấu hỏi về sức chiến đấu giữa các tay chơi trong nước với nước ngoài.

Cho đến hiện tại, những con số cho thấy Shopee đã rất mạnh, Lazada và Tiki đang cạnh tranh nhau, trong khi Sendo im ắng trong hơn một năm qua.

Shopee, Lazada đa dạng hàng hoá; Tiki giỏi giao hàng

Báo cáo mới của Reputa, nền tảng lắng nghe và giám sát danh tiếng, cho thấy Shopee được nhắc nhiều trên mạng hơn so với các nền tảng TMĐT khác, trong khi Tiki được tin tưởng về tốc độ giao hàng.

{keywords}
Tổng quan trải nghiệm của khách hàng trên 4 trang TMĐT. (Nguồn: Reputa)

Thống kê của Reputa cho thấy trong năm 2020, Shopee chiếm gần 70% trong các thảo luận trên mạng xã hội, Lazada đứng thứ hai với 11,4%. Tiki và Sendo giữ hai vị trí tiếp theo với 9,07% và 8,78%. 

Trong xu hướng tìm kiếm Google Trend, Shopee cũng bỏ xa các đối thủ khác, kế đến là Lazada, Tiki và Sendo.

Trong các khách hàng tham gia thảo luận, Shopee tiếp tục dẫn đầu về khả năng tiếp cận khách hàng trẻ tầm 18-35 tuổi, hầu hết là nữ giới đến từ TP.HCM và Hà Nội. Trong khi những nền tảng còn lại cũng được quan tâm đa số bởi người trẻ, nhưng tỷ lệ thấp hơn, giới nữ chiếm nhiều nhưng không cao như Shopee.

Theo đánh giá của Reputa, hàng hoá là yếu tố ảnh hưởng nhất đến trải nghiệm của khách hàng mua sắm trên 4 sàn TMĐT, gồm các yếu tố nhỏ hơn như chi phí, chất lượng, sự đa dạng hàng hoá, độ tin cậy của các gian hàng. Lazada (53,55%) và Shopee (52,90%) là 2 sàn tập trung yếu tố này nhất, theo sau lần lượt là Sendo (37,35%) và Tiki (33,65%).

Yếu tố quan trọng thứ hai hút khách là các chiến dịch truyền thông tiếp thị. Tiki dẫn đầu (38,65%), theo sau là Sendo (30,45%) Shopee (30,30%) và Lazada (24,05%).

Dịch vụ giao hàng (tốc độ giao hàng, hành vi thái độ shipper) và chăm sóc khách hàng là yếu tố thứ ba ảnh hưởng đến trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Tiki là sàn chú trọng yếu tố này nhất (20%), đặc biệt là dịch vụ giao hàng trong 2 giờ và được xem hàng trước khi nhận.

Ngược lại, shop lừa đảo, giao hàng sai, chất lượng tệ, hàng giả là những yếu tố (46%) làm khách hàng không hài lòng khi trải nghiệm trên 4 sàn TMĐT. Dựa trên những lắng nghe từ khách hàng, Reputa đánh giá Tiki mạnh về khả năng giao hàng nhanh, Shopee đang có lợi thế về sự đa dạng hàng hóa và chi phí.

Shopee vượt trội về lượt truy cập

Theo thống kê của iPrice, Shopee dẫn đầu về lượt truy cập web lẫn thứ hạng ứng dụng trên các nền tảng Android, iOS so với 3 đối thủ còn lại tại Việt Nam trong suốt năm 2020. Tiki và Lazada so kè nhau, trong khi Sendo thụt lùi.

{keywords}
Lượt truy cập web của 4 trang TMĐT từ Quý 1 đến Quý 4/2020.

Xét về lượt truy cập web, quý 1/2020, Shopee đạt 43 triệu lượt truy cập/tháng, gấp đôi Tiki ở vị trí thứ hai. Đến quý 4/2020, lượt truy cập Shopee lên 68,6 triệu/tháng, gấp 3 Tiki. Ứng dụng của nền tảng này cũng xếp số 1 trong nhóm TMĐT tại Việt Nam suốt năm 2020.

Ở nhóm sau, Lazada và Tiki so kè nhau về lượt truy cập. Tiki luôn vượt hơn Lazada một ít về lượng truy cập web. Trung bình năm 2020, Tiki có 22,5 triệu lượt vào web/tháng, so với 19,8 triệu của Lazada. Sendo xếp vị trí thứ 4, tụt từ 17,6 triệu/tháng ở quý 1 xuống 11,2 triệu/tháng ở quý cuối 2020.

Ở quý 1/2020, ứng dụng của Tiki còn xếp thứ 2 ở hệ điều hành iOS, nhưng kể từ quý 2 rơi xuống vị trí số 3. Kể từ quý 2, hai nền tảng nước ngoài Shopee và Lazada lần lượt chiếm giữ hai vị trí hàng đầu về xếp hạng ứng dụng, đẩy hai đại diện Việt Nam xuống cuối top 4.

Như vậy trong xu hướng các nền tảng hướng người dùng đến việc tải ứng dụng trên smartphone, Shopee và Lazada đã dẫn trước nhiều đối thủ trong nước. Trong khi đó, Tiki vượt nhẹ so với Lazada ở lượt truy cập web, nhưng vẫn kém xa Shopee ở vị trí đầu tiên. Riêng Sendo xếp cuối trong top 4 ở cả người dùng web lẫn app.

Mặc dù được sáng lập bởi người Việt, trên thực tế Tiki và Sendo đều nhận được các khoản đầu tư từ doanh nghiệp trong nước lẫn quỹ nước ngoài - cách huy động vốn buộc phải làm để mở rộng quy mô kinh doanh.

Để có bức tranh chính xác của 4 nền tảng TMĐT cần nhìn thấy doanh thu, lợi nhuận của các bên, tuy nhiên cả 4 đều chưa từng công bố các con số này. Theo tính toán của trang CafeF, đến năm 2018, lỗ luỹ kế của Lazada là 7.111 tỷ đồng, Shopee 2.708 tỷ, Tiki 1.395 tỷ, Sendo 1.253 tỷ đồng. Các con số lỗ cho thấy mức độ đầu tư của các bên tại Việt Nam, rõ ràng hai đối thủ ngoại đã tận dụng nguồn vốn huy động dồi dào để cạnh tranh với các nền tảng nội địa ít tiền hơn. 

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐT Việt Nam năm 2020 tăng 18% - mức cao nhất trong khu vực. Quy mô thị trường đạt 11,8 tỉ USD, chiếm khoảng 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Việt Nam cũng là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số. Mặc dù tăng trưởng về số lượng giao dịch so với cùng kỳ nhưng dịch bệnh khiến người dân mua sắm chủ yếu hàng hoá giá trị thấp, dẫn đến doanh thu giảm.

Hải Đăng

3 xu hướng chính của thương mại điện tử Việt Nam năm 2021

3 xu hướng chính của thương mại điện tử Việt Nam năm 2021

Những đổi mới của ngành thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2021 sẽ tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thanh toán, cung ứng hậu cần và kỹ thuật số.