Với hơn 25 năm kinh nghiệm điều hành cấp cao trong ngành CNTT, ông Erich Gerber đang phụ trách mảng kinh doanh của TIBCO Software trên khắp các thị trường quốc tế, bao gồm châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

TIBCO Software, doanh nghiệp phần mềm Mỹ đã có 23 năm hoạt động trong lĩnh vực CNTT, ngày 26/2 tới đây sẽ chính thức khai trương Văn phòng Kỹ thuật mới tại Hà Nội, thể hiện cam kết gia tăng sự hiện diện, tham gia sâu hơn vào thị trường CNTT Việt Nam. ICTnews vừa có cuộc trao đổi với ông Erich Gerber, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách Kinh doanh quốc tế của TIBCO Software về thị trường CNTT Việt Nam và lý do doanh nghiệp phần mềm này quyết định mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Xin ông chia sẻ đánh giá về tiềm năng phát triển của thị trường CNTT Việt Nam?

Dân số Việt Nam hiện nay vào khoảng 100 triệu người và nhiều người được chúng tôi gọi là “những người mới gia nhập tầng lớp trung lưu”. Điều này có nghĩa là chúng tôi nhận thấy có nhu cầu và cơ hội đáng kể dành cho các tổ chức dịch vụ Tài chính và Bảo hiểm.

Hơn thế, người dân Việt Nam có xu hướng sử dụng điện thoại di động rất nhiều, với tỷ lệ đăng kí sử dụng điện thoại di động đang ở mức đáng kinh ngạc là 1:1,5 so với tỉ lệ trên thế giới là 1:0,75. Điều này thể hiện nhu cầu cao trong thị trường tiêu dùng. Đồng thời, cho thấy rằng các doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ tại Việt Nam đang đối mặt với một thử thách đáng kể nhằm phục vụ người tiêu dùng một cách chủ động và cá nhân hóa.

Thêm vào đó, Việt Nam cũng có một số lượng lớn các trường đại học CNTT nơi cung cấp nền giáo dục chất lượng cao về công nghệ và khoa học dữ liệu. Những xu hướng này, tất nhiên, có ảnh hưởng lớn đến công nghệ và làm tăng tính phổ biến cho thị trường CNTT tại Việt Nam.

Tham gia thị trường từ khoảng 2013 nhưng gần đây TIBCO mới quyết định mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Tại sao TIBCO lại chọn thời điểm này để gia tăng đầu tư, thưa ông?

Câu trả lời cho việc lựa chọn thời điểm có thể do triển vọng lạc quan của thị trường CNTT tại Việt Nam. Việt Nam thực sự là những gì chúng tôi đặt tên cho một thị trường mới trong lĩnh vực CNTT và số hóa.

Tại châu Âu và Hoa Kỳ, các doanh nghiệp đã sử dụng các hệ thống kế thừa CNTT đồ sộ, các hệ thống này mang theo các khó khăn cụ thể để thực sự thực hiện số hóa một các sâu sắc. Sẽ rất rủi ro khi sửa đổi các hệ thống cốt lõi.

Trong khi đó, hệ thống kế thừa CNTT tại Việt Nam ít nặng nề hơn và việc đổi mới có thể được triển khai nhanh hơn do ít rủi ro trên các hệ thống hiện tại hơn. Đây là thời điểm hoàn hảo để Việt Nam có thể nắm bắt và thực hiện những cơ hội mới này và tăng cường tăng trưởng trên thị trường trong nước và toàn cầu. Đây cũng là thời điểm phù hợp để chúng tôi mua lại công ty Orchestra với gần 100 chuyên gia có tay nghề cao tại Hà Nội.

Chúng tôi đã có sự phát triển và bây giờ là thời điểm để đầu tư hơn nữa. Trong năm nay, chúng tôi muốn có được nhiều khách hàng hơn và mở bộ phận Kinh doanh và Marketing tại Việt Nam. Chúng tôi đang thành lập bộ phận kinh doanh, bao gồm việc bổ nhiệm vị trí Giám đốc quốc gia và các Kỹ sư, Chuyên gia tư vấn. Đồng thời, sẽ tiếp tục đầu tư vào các mạng lưới đối tác.

Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp đã và đang đồng hành chuyển đổi số cùng hàng ngàn khách hàng, xin ông cho biết để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý gì?

Chúng tôi cho rằng, để giành chiến thắng nhanh chóng, trái ngược với các chương trình chuyển đổi quy mô lớn, cách tiếp cận lặp (SCRUM) là cần thiết với các doanh nghiệp.

Trước hết, hãy chắc chắn rằng doanh nghiệp lựa chọn được một chuyên gia quản lý chương trình chuyển đổi số đã từng thực hiện công việc này trước đó và có kinh nghiệm ít nhất 5 năm. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần lựa chọn một hệ thống tích hợp hàng đầu đã chứng minh được khả năng chuyển đổi kỹ thuật số, đồng thời chọn nhà cung cấp công nghệ có khả năng tích hợp, quản lý và phân tích dữ liệu.

Xin cảm ơn ông!