TikTok Inc. bị kiện sau cái chết của Nylah Anderson (10 tuổi, người Mỹ). Theo đơn khiếu nại gửi lên tòa án liên bang hôm 12/5, cô bé được tìm thấy bất tỉnh trong phòng ngủ ở nhà tại tiểu bang Pennsylvania ngày 7/12 năm ngoái và được cho là thực hiện “thử thách ngạt thở” (Blackout Challenge) trên TikTok.

Nylah trải qua 5 ngày trong phòng chăm sóc đặc biệt nhưng không qua khỏi, SCMP đưa tin.

Gia đình Anderson cáo buộc TikTok quảng bá sản phẩm độc hại và sơ suất khi thử thách nguy hiểm được đề xuất cho con gái họ ở mục “dành cho bạn”.

“Thuật toán xác định ‘thử thách ngạt thở’ có khả năng thu hút sự quan tâm của Nylah Anderson. Kết quả là cô bé 10 tuổi đã chết”, theo đơn khiếu nại nhắc đến ByteDance Inc., công ty mẹ của TikTok, như một bị cáo.

TikTok bi kien sau vu be gai chet vi thu thach ngat tho anh 1

Gia đình Anderson kiện TikTok gây ra cái chết của con gái họ. Ảnh: ABC 7.

Người phát ngôn cho biết TikTok không bình luận về các vụ kiện đang diễn ra.

Trước đó, trong tuyên bố được đưa ra sau cái chết của Nylah Anderson, công ty này cho biết: “Mọi người dường như biết đến thử thách đáng lo ngại này từ các nguồn khác ngoài TikTok. Nó đã xuất hiện từ lâu trước khi nền tảng của chúng tôi ra đời và chưa bao giờ là xu hướng trên trang”.

TikTok cũng khẳng định “sẽ nỗ lực thực hiện cam kết về sự an toàn của người dùng và lập tức xóa nội dung nguy hiểm liên quan nếu bị phát hiện”.

Sự việc trên làm dài thêm danh sách vụ kiện TikTok liên quan tới những cái chết tức tưởi, bao gồm tai nạn ôtô khiến 3 thanh niên thiệt mạng khi sử dụng tính năng đồng hồ tốc độ Snapchat để ghi lại cảnh lái xe với vận tốc hơn 190 km/h hay cô gái 16 tuổi tự tử vì nghiện Instagram.

Ít nhất 4 đứa trẻ khác đã chết khi tham gia “thử thách ngạt thở”, theo hồ sơ được gia đình Anderson cung cấp. Người chơi được khuyến khích dùng các vật dụng trong nhà như dây giày hoặc dây điện siết cổ cho đến khi ngạt thở vài giây rồi tỉnh lại.

Tawainna Anderson, mẹ của Nylah Anderson, nói: “Đã đến lúc đặt dấu chấm hết cho những thử thách nguy hiểm này để gia đình khác không phải trải qua nỗi đau mà chúng tôi phải chịu đựng mỗi ngày”.

TikTok bi kien sau vu be gai chet vi thu thach ngat tho anh 2

TikTok nhiều lần bị kiện vì liên quan tới những cái chết của người trẻ. Ảnh: AFP.

“Thử thách ngạt thở” xuất hiện trên các nền tảng xã hội khác, nhưng phân tích pháp y về điện thoại di động của Nylah Anderson cho thấy TikTok đã được sử dụng vào thời điểm vụ việc xảy ra, Jeffrey Goodman, luật sư của gia đình nạn nhân, cho biết.

Theo Apptopia, TikTok là nền tảng mạng xã hội được tải xuống nhiều nhất trên thế giới vào năm ngoái. Ứng dụng này bùng nổ trong đại dịch và trở nên phổ biến với thanh thiếu niên.

Bắt đầu từ những thử thách nhảy vô nghĩa, trong giai đoạn Covid-19, các nội dung trở nên kỳ dị và nhiều trường hợp còn nguy hiểm. Ví dụ, giới trẻ phá hoại phòng tắm của trường học, xếp nhiều thùng sữa lên nhau rồi đi qua, mài răng và ăn ngô được gắn trên máy khoan điện.

Các nền tảng khác, bao gồm Facebook, Instagram và Snapchat, cũng phải đối mặt với lo ngại tương tự vì lan truyền các thử thách nguy hiểm.

“Các mạng xã hội lớn như TikTok đã nắm bắt cơ hội Internet ngày càng phát triển để thao túng, kiểm soát hành vi của trẻ em dễ bị tổn thương và kiếm chác từ đó. Họ cũng trốn tránh mọi trách nhiệm an toàn”, theo đơn kiện của gia đình Anderson.

(Theo Zing)

Những tác động tiêu cực của TikTok tới não bộ

Những tác động tiêu cực của TikTok tới não bộ

Việc các nền tảng video ngắn như TikTok hay Reels trở nên phổ biến trong những năm gần đây khiến nhiều người dùng khó có thể đặt điện thoại xuống.