Tin đồn ảnh hưởng thế nào tới sàn chứng khoán?

Thị trường chứng khoán là thị trường của thông tin. Ở đó, bất kỳ một tin đồn theo chiều hướng tốt hay xấu đều ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp đang được niêm yết. Trong những năm gần đây, liên tiếp xuất hiện những tin đồn thất thiệt trên thị trường chứng khoán. Có tin đồn gây ảnh hưởng xấu, gây thiệt hại cực kỳ lớn và khiến giá cổ phiếu của doanh nghiệp xuống dốc không phanh.

Mới đây, dù không có thông tin chính thức nào được đưa ra nhưng khi có tin đồn về cuộc chiến giữa Masan (công ty sở hữu nhiều thương hiệu nước mắm nổi tiếng) và nước nắm truyền thống thì doanh nghiệp này đã phải chịu tổn thất nặng nề. Cụ thể, giá cổ phiếu MSN mất 3.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng với 3,67% giá trị từ ngày 8/3 – 16/3. Điều này khiến hơn 4.000 tỷ đồng vốn hóa của Masan bỗng dưng ‘đội nón ra đi' chỉ vì một tin đồn ‘từ trên trời rơi xuống'. Hay như cuối năm 2018, khi có tin đồn làm lộ thông tin khách hàng, giá cổ phiếu của Thế giới di động cũng có một phen lao đao khi từng có lúc giảm tới 2.000 VNĐ, tương đương với 1,8% giá trị.

Các chuyên gia cho rằng tin đồn đang tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ trên
thị trường chứng khoán Việt Nam

Tuy vậy, cũng có khá nhiều tin đồn lại mang đến tín hiệu tốt lành cho một doanh nghiệp hay nhà đầu tư nào đó.  Ngày 18/7/2014, có thông tin một đơn vị của Apple mua lại FPT để cạnh tranh với đối thủ truyền kiếp là Samsung. Mặc dù đây là tin đồn thất thiệt và Phó tổng giám đốc FPT đã lên tiếng đính chính khẳng định thông tin không có cơ sở ngay chiều cùng ngày thì giá cổ phiếu của công ty này cũng đã kịp tăng thêm 3.100 đồng/cổ phiếu. Hay như năm 2015, có tin đồn một tập đoàn của Singapore mua lại vốn nhà nước của Vinamilk với giá 4 tỷ USD. Gần như ngay lập tức, cổ phiếu của công ty này (VNM) tăng mạnh 6.000 VNĐ, tương đương 5,1% và đóng cửa ở giá 123.000 VNĐ/cổ phiếu.

Có thể thấy, tin đồn dù được hay không được kiểm chứng cũng mang lại tác động rất to lớn trên sàn chứng khoán tại Việt Nam. The ông Nguyễn Thanh Kỳ - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam thì trong những năm gần đây, khi mà cơ chế thị trường phát triển, tin đồn thất thiệt đang mang đến ảnh hưởng rất lớn.

Dân ‘có nghề' trong ngành chứng khoán thường sử dụng từ ‘đội lái' để nói về những người chuyên tạo ra những tin đồn nhằm đạt được mục đích của mình. Họ tung ra thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng nhằm thao túng giá chứng khoán, khiến các cổ phiếu lên xuống theo ý đồ riêng. Theo ông Nguyễn Thế Thọ, Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì tại một thị trường còn non trẻ như Việt Nam thì tin đồn vẫn còn ‘đất sống'. Những thông tin này được lan tỏa rất mạnh trên mạng xã hội và gây sức ảnh hưởng lớn.

Tuy vậy, cũng theo ông Nguyễn Thế Thọ, trong pháp luật, không có từ ‘đội lái'. Ông cho biết: ‘'Đội lái' là từ không có trong quy định pháp luật. Trong pháp luật gọi hành vi này là câu kết tạo cung cầu giả để thao túng giá chứng khoán'.

Làm thế nào để kiểm soát tin đồn trên sàn chứng khoán?

Rõ ràng, việc kiểm soát các tin đồn trên sàn chứng khoán là việc cần phải làm để giữ một thị trường minh bạch thông tin. Tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển, tin đồn trên sàn chứng khoán rất khó sống hoặc nếu có cũng tồn tại trong thời gian rất ngắn. Có được điều này bởi các doanh nghiệp liên quan thường kịp thời phản hồi thông tin chuẩn xác đến các nhà đầu tư. Như vậy, nếu muốn kiểm soát được tin đồn trên sàn chứng khoán, trước hết các doanh nghiệp cần thực hiện nhiệm vụ minh bạch thông tin của mình.

Bà Bùi Huyền Trang, Giám đốc Phòng giám sát giao dịch, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết: ‘Tin đồn tạo ra tác động rất lớn. Khi phát hiện tin đồn chúng tôi thường xuyên yêu cầu các đơn vị niêm yết giải trình thông tin cho nhà đầu tư. Như trường hợp của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (VCG), khi có tin đồn thất thiệt thì đã được Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội yêu cầu giải trình, công ty đã gửi văn bản giải trình lên chúng tôi'.

Theo các chuyên gia, khi có tin đồn thất thiệt trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp phải là đơn vị đầu tiên đưa ra thông tin chính xác bằng cách cải chính, phản bác hoặc cung cấp thông tin. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư an tâm hơn và tránh ảnh hưởng đến tâm lý.

Cùng với đó, các cơ quan Nhà nước trong thời gian tới đây sẽ siết chặt hơn về việc kiểm soát tin đồn, các hành vi thao túng thị trường. Theo ông  Nguyễn Thế Thọ, hành vi thao túng thị trường, tạo ra thông tin giả ngoài bị xử phạt hành chính rất nặng sẽ còn bị xử lý theo Luật hình sự.

T.T