Vào ngày 9/9/2021 sắp tới, Tọa đàm cấp cao Lãnh đạo Công nghệ thông tin và an toàn thông tin (CIO/CSO) 2021 với chủ đề “Nâng cao năng lực ứng phó thách thức an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới” sẽ được diễn ra.

Toạ đàm dưới sự chủ trì, chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương cùng ba đơn vị đồng tổ chức là Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Công ty An ninh mạng Viettel (VCS) và IEC Group theo hình thức trực tuyến.

{keywords}

Thách thức an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới

Trước những khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, không chỉ cuộc sống thường nhật mà tình hình an ninh mạng cũng trở nên hết sức phức tạp. Lượng người truy cập Internet tăng vọt, hầu hết các hoạt động làm việc, kinh doanh, học tập, giải trí đều được đẩy lên không gian mạng. Do đó, tin tặc đã lợi dụng cơ hội này để gia tăng các cuộc tấn công về cả quy mô lẫn số lượng, khiến các tổ chức/doanh nghiệp đang đương đầu với nhiều rủi ro hơn bao giờ hết.

Trong nửa đầu năm 2021, hệ thống Threat Intelligence của Công ty An ninh mạng Viettel đã ghi nhận và cảnh báo rất nhiều rủi ro bảo mật. Trong đó bao gồm các cuộc tấn công có chủ đích, các vụ lộ lọt thông tin, lừa đảo qua mạng và sử dụng thương hiệu của khách hàng. Bên cạnh đó là sự gia tăng trong tấn công từ chối dịch vụ (DDoS). Điều đáng ngại nhất là đa số các cuộc tấn công, rủi ro hay điểm yếu bảo mật ấy đều được đánh giá ở mức nghiêm trọng.

Bài toán quốc gia về bảo đảm an toàn cho cơ sở, hạ tầng số

Tấn công mạng trở thành mảnh đất “màu mỡ” để tin tặc lợi dụng khai thác đặc biệt trong tình hình hiện nay khi các quốc gia đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số và hiện trạng giãn cách xã hội từ dịch bệnh Covid-19.

Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trở thành yêu cầu kiên quyết để bảo vệ cơ sở hạ tầng số trọng yếu quốc gia và của các doanh nghiệp, đơn vị trong hoạt động vận hành.

Với yêu cầu đó, Tọa đàm cấp cao CIO/CSO 2021 được tổ chức với mục đích cung cấp, trao đổi giữa các tổ chức, đơn vị trong ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam về việc xây dựng chiến lược, đề xuất quy trình xử lý khủng hoảng, xác định các hiểm họa, mối đe dọa và giới thiệu giải pháp, kinh nghiệm xây dựng hệ thống phòng chống mất an toàn, an ninh thông tin, đặc biệt là để đối mặt với các đối đe dọa an toàn thông tin trong tình hình mới.

{keywords}

Dự kiến tham dự chương trình bao gồm ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Trịnh Hồng Hà – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Uỷ ban chứng khoán nhà nước; ông Trần Quang Hưng - Giám đốc NCSC; ông Nguyễn Sơn Hải - Giám đốc VCS; cùng hơn 40 đại diện lãnh đạo cấp cao đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, chứng khoán, năng lượng, vận tải, truyền hình...

Phương pháp tiếp cận mới từ VCS – doanh nghiệp đi đầu trong bảo đảm ATTT quốc gia

Phiên thảo luận tại Tọa đàm bao gồm các nội dung về nhận diện các nguy cơ lừa đảo, gian lận trong các giao dịch trực tuyến; hợp tác giữa các tổ chức/doanh nghiệp trong phòng ngừa và phát hiện các mối đe dọa an toàn thông tin; xây dựng và diễn tập ứng cứu các sự cố an toàn thông tin; đề xuất, khuyến nghị chính sách, chiến lược nhằm hỗ trợ và thúc đẩy đảm bảo an toàn thông tin doanh nghiệp.

{keywords}
Ông Nguyễn Sơn Hải – Giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel

Một trong những nội dung quan trọng trong sự kiện, ông Nguyễn Sơn Hải – Giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel sẽ trình bày về phương pháp tiếp cận mới trong việc giám sát và phòng ngừa rủi ro an toàn thông tin.

Nhân dịp này, Công ty An ninh mạng Viettel sẽ ra mắt nền tảng điều phối, tự động hóa và phản ứng an ninh mạng của VCS (VCS-CyCir) nhằm giải quyết bài toán nâng cao tự động hoá trong giám sát và tối ưu nguồn lực cho các đơn vị trong việc đảm bảo an toàn thông tin. Giải pháp được mong chờ, hứa hẹn với tính ưu việt cao, tính năng vượt trội giúp tương tác, tích hợp với các hệ thống đảm bảo an toàn thông tin và quản lý vận hành khác trong hệ thống thông tin.

An Nhiên