Vài tuần sau khi Michelle bắt đầu làm việc tại nhà trong mùa dịch, quản lý của cô thông báo một phần mềm sẽ được cài đặt trên máy tính để giám sát công việc.

Đến nay, công ty bảo hiểm Anthem, nơi Michelle làm việc, đã sử dụng công nghệ theo dõi năng suất nhân viên hơn một năm, theo Insider.

Công việc của Michelle là đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh và kết nối họ tới các dịch vụ y tế trong mạng lưới.

Phần mềm mang tên WorkIQ theo dõi hoạt động gõ phím, tra cứu và truy cập ứng dụng để xác định mức độ hiệu quả công việc trong ngày.

Đồng thời, nó cũng ghi lại các cuộc gọi video của cô với bệnh nhân và đồng nghiệp. Michelle cho biết cô làm việc kém năng suất hơn khi biết mình bị giám sát.

“Tôi liên tục nói vấp trong các cuộc gọi vì ám ảnh với việc phải thể hiện thật hoàn hảo. Nhưng tôi là y tá chứ không phải robot”, cô nói.

cong nghe giam sat nhan vien anh huong doi tu anh 1

Nhiều nhân viên không thoải mái làm việc tại nhà khi bị giám sát bởi các phần mềm. Ảnh: Vox.

Các phần mềm giám sát nhân viên được sử dụng nhiều hơn khi đại dịch bắt đầu khiến nhiều công ty phải chuyển sang làm việc từ xa.

Từ giải pháp tạm thời, các ứng dụng này đang trở thành một phần cố định tại nơi làm việc và có thể thay đổi mối quan hệ giữa nhân viên và sếp mãi mãi.

Trong khi các công ty tin rằng phần mềm sẽ nâng cao hiệu quả công việc, người lao động và phe ủng hộ quyền riêng tư e ngại rằng chúng sẽ bình thường hóa việc nhân viên bị theo dõi từng cử chỉ trong giờ làm.

Xu hướng tiếp diễn

Đại dịch đã đem lại cơ hội kiếm bộn tiền cho các công ty cung cấp phần mềm theo dõi công việc.

Điển hình, công ty Hubstaff, chuyên về lĩnh vực trên, đã chứng kiến doanh thu hàng tháng tăng 91%, từ 568.000 USD vào tháng 3/2020 đến 1 triệu USD tháng này, theo lời của CEO Jared Brown.

Trong khảo sát gần đây với 2.000 nhà quản lý giám sát công việc từ xa do ExpressVPN thực hiện, 78% người được hỏi sử dụng phần mềm để theo dõi nhân viên. Gần một nửa đã cho vài người nghỉ việc dựa trên thông tin thu thập được qua phần mềm.

cong nghe giam sat nhan vien anh huong doi tu anh 2

Việc sử dụng công nghệ giám sát nhân viên không có dấu hiệu giảm, ngay cả khi nhiều công ty bắt đầu đi làm trực tiếp trở lại. Ảnh: Shutterstock.

Nhiều dấu hiệu cho thấy sự phổ biến của phần mềm giám sát công việc sẽ không sớm phai nhạt.

Khoảng 80% giám đốc điều hành của Mỹ được hỏi ý kiến trong khảo sát gần đây cho biết công ty của họ sẽ duy trì làm việc từ xa hoặc linh hoạt giữa nhà - văn phòng trong thời gian tới.

Nhiều nơi làm có ý định tiếp tục sử dụng phần mềm khi kết hợp làm việc tại nhà và văn phòng. Thậm chí, những công ty có nhân viên đã trở lại nơi làm cũng sẽ áp dụng phương pháp này.

"Việc sử dụng công nghệ giám sát trong nơi làm việc đã trở thành bình thường mới", ông Brown nhận định.

Lo ngại về riêng tư

Đối với phe ủng hộ quyền riêng tư, sự gia tăng của phần mềm giám sát nhân viên là vấn đề đáng lo ngại.

“Nếu tại văn phòng, sếp của bạn sẽ không đứng sau lưng nhìn bạn làm việc từng giờ phút mỗi ngày”, bà Karen Gullo, chuyên gia phân tích tập đoàn bảo mật kỹ thuật số Electronic Frontier Foundation, cho biết.

cong nghe giam sat nhan vien anh huong doi tu anh 3

Việc bị giảm sát qua phần mềm giống như bị sếp quan sát nhất cử nhất động khi làm việc. Ảnh: NPR.

Dù mỗi công ty thiết kế ứng dụng của họ với tính năng khác nhau, tất cả đều thu thập thông tin về cách người lao động sử dụng máy tính của họ.

Các phần mềm này thường có khả năng giám sát hoạt động truy cập web và ghi lại màn hình của nhân viên. Một số còn theo dõi việc gõ bàn phím hoặc kích hoạt micro, webcam của họ.

Nhiều khi, các phần mềm có thể hoạt động mà nhân viên không biết. 9 trên 10 ứng dụng phổ biến nhất mà Gullo phân tích cung cấp chế độ "vô hình" để theo dõi nhân viên mà không thông báo cho họ.

“Nếu người quản lý lén lút kích hoạt phần mềm giám sát trên máy tính tại nhà, nhân viên dường như đang bị xâm phạm quyền riêng tư”, Gullo nhận định.

Những người lao động bị giám sát cũng cảm thấy như vậy. Một nhân viên giấu tên tại ngân hàng HSBC cho biết anh phản đối công cụ giám sát của công ty.

“Nó ảnh hưởng đến cách tôi làm việc. Tôi cảm thấy họ không tin tưởng mình", anh nói.

Quản lý minh bạch

Những người làm việc cho công ty cung cấp phần mềm theo dõi công việc cũng quan tâm tới quyền riêng tư của người lao động.

Liam Martin, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của công ty TimeDoctor chuyên về lĩnh vực trên, cho biết ứng dụng của bên anh có thể được tắt bởi nhân viên. Khi đó, họ sẽ không được tính giờ làm việc.

Martin sử dụng chính phần mềm của TimeDoctor trong việc quản lý. Anh cũng để mọi người biết dữ liệu năng suất của mình thay vì chỉ giám sát nhân viên.

"Phương pháp quản lý hai chiều sẽ khiến phần mềm giám sát bớt đáng sợ, đồng thời cho thấy sự minh bạch và công bằng”, Martin chia sẻ với Insider.

Khi các ứng dụng theo dõi công việc ngày càng phổ biến khi làm việc linh hoạt giữa nhà và văn phòng, phe ủng hộ quyền riêng tư đang kêu gọi luật pháp Mỹ được cập nhật để làm rõ cách thức và thời điểm nhà quản lý có thể giám sát nhân viên của họ.

"Các điều luật cần cân nhắc về lượng dữ liệu thu thập, thời gian lưu trữ và những người có thể truy cập, chia sẻ. Hiện tại, các công ty đang sử dụng phần mềm giám sát theo cách họ muốn", Gullo nói.

cong nghe giam sat nhan vien anh huong doi tu anh 4

Sự minh bạch trong quản lý giúp giảm áp lực khi sử dụng phần mềm giám sát. Ảnh: Indeed.

Hubstaff là một trong số 10 công ty được Gullo liệt kê không cho phép các nhà quản lý bí mật sử dụng phần mềm giám sát khi nhân viên không biết.

Giám đốc điều hành Jared Brown cho biết đây là một lựa chọn có chủ ý để lấy được lòng tin của người lao động.

"Chúng tôi sẽ không bao giờ nghĩ tới việc đó vì biết giới hạn của mình", ông Brown cho biết.

Tuy nhiên, đối với những nhân viên như Michelle, việc biết mình bị theo dõi từ xa khiến công việc trở nên căng thẳng, khó duy trì lâu dài.

“Tôi như phát điên và đang chuẩn bị tìm việc mới”, cô nói.

(Theo Zing)

Hậu Covid-19: Facebook ủng hộ làm việc từ xa, Apple khiến nhân viên phản đối

Hậu Covid-19: Facebook ủng hộ làm việc từ xa, Apple khiến nhân viên phản đối

Apple, Facebook, Google hay Twitter đều đã công bố kế hoạch quay trở lại văn phòng của mình nhưng không phải tất cả đều giống nhau.