Sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0 tạo nên cuộc dịch chuyển đa ngành với 3 trụ cột phát triển chính gồm AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet vạn vật) và big data (dữ liệu lớn). Tận dụng nền tảng đó, những tập đoàn thang máy lớn trên thế giới, điển hình như Schindler đã mang đến những giải pháp vận hành tối ưu bên cạnh nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn an toàn cho sản phẩm. Ông Tạ Huy Vũ – Tổng giám đốc Schindler Việt Nam đã có chia sẻ riêng về những giải pháp này như một nước cờ cạnh tranh mới trong ngành thang máy.

Theo ông, trong sự phát triển lẫn cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các doanh nghiệp thang máy hiện nay, công nghệ đóng vai trò như thế nào?

Công nghệ đã và đang tạo ra cơ hội phát triển bứt phá cho mọi ngành, mọi doanh nghiệp, góp phần đa dạng hoá mẫu mã, cải thiện chất lượng, tích hợp nhiều tính năng tiện ích, đưa đến lựa chọn phù hợp hơn cho người dùng. Riêng ngành thang máy, bệ phóng này giúp thúc đẩy việc chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng và quyết liệt hơn.

Theo Transparency Market Research, vào năm 2026, quy mô toàn ngành thang máy thế giới dự báo tăng lên 151,26 tỷ USD. BusinessWire cũng dự đoán, với động lực chính đến từ công nghệ, đến năm 2025, toàn ngành có thể tăng trưởng 12,7% mỗi năm.

Riêng tại Việt Nam, sự cạnh tranh trong ngành thang máy đang diễn ra khốc liệt, số lượng doanh nghiệp thang máy Việt Nam lên đến hàng trăm đơn vị. Bên cạnh chất lượng mẫu mã, đòi hỏi trải nghiệm an toàn, nhanh chóng, thuận tiện hơn từ người sử dụng cũng đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp khi đầu tư tối ưu hóa công tác lắp đặt, bảo trì nhằm tạo ra các giá trị nền tảng mới cho khách hàng.

Trong bối cảnh đó, để hướng đến việc chuyển đổi số toàn diện, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, đầu tư và ứng dụng công nghệ vào sản phẩm như thế nào?

Các tập đoàn thang máy tiềm lực trên thế giới đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản phẩm và dịch vụ xoay quanh 3 trụ cột chính gồm AI, IoT và big data. Nhờ đó, các thang máy được kết nối, dữ liệu được thu thập theo thời gian thực 24/7.

Thu thập, phân tích, xử lý và lưu trữ dữ liệu lớn dựa trên điện toán đám mây hỗ trợ việc đưa ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh, cải thiện an toàn, hiệu quả hoạt động, quy trình làm việc cũng như bảo trì. Ngoài ra, các hãng thang máy cũng tăng cường ứng dụng công nghệ để cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng bằng cách tích hợp với các hệ thống cảm biến, điều khiển, mạng truyền thông kết nối trực tiếp qua smartphone của người dùng…

Cụ thể, Schindler Việt Nam đã ứng dụng hay có những hoạt động như thế nào để thúc đẩy xu hướng này?

Ngay từ khâu lắp đặt, chúng tôi sử dụng hệ thống robot R.I.S.E nhằm tăng độ chính xác, nâng chất lượng cài đặt cũng như đảm bảo an toàn hơn cho nhân viên kỹ thuật.

Khi vận hành, nhằm tăng hiệu suất hoạt động của thang, Schindler triển khai ứng dụng PORT. Công nghệ này được lập trình phân tích chu kỳ hoạt động của tòa nhà, thiết lập chế độ ECO (Energy Control Option) đưa một số thang máy sang chế độ chờ hoặc chế độ ngủ ngoài khung giờ cao điểm, giúp tối ưu hóa sử dụng năng lượng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mở rộng tính năng myPORT kết nối không dây với hệ thống thang máy và hệ thống quản lý của tòa nhà thông qua Bluetooth.

Hiện tại, giải pháp công nghệ của công ty là Schindler Ahead ứng dụng nền tảng IoT, machine learning (công nghệ học máy) để quản lý vận hành và bảo trì thang. Với mỗi thang máy tham gia mạng lưới IoT, Schindler lắp đặt thêm một chip thiết bị như máy tính thu nhỏ, kết nối vào thang để thu thập, xử lý và truyền dữ liệu vận hành trực tiếp về trung tâm điện toán đám mây. Qua đó, thang được theo dõi theo thời gian thực tế và 24/7, giúp dự đoán sớm những vấn đề có thể xảy ra.

Theo ông, đâu là thách thức trong việc triển khai ứng dụng Schindler Ahead?

Yếu tố cốt lõi trong việc ứng dụng công nghệ vẫn là con người. Do đó, chúng tôi cần đảm bảo tất cả nhân viên phải hiểu rõ về công nghệ mà Schindler đang áp dụng thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu. Một thách thức khác là chúng tôi phải đảm bảo chính khách hàng cũng “thông suốt” về cách vận hành và sử dụng thang máy theo hướng “số hoá”. Về phía hành khách, Schindler cũng chủ động trang bị những kiến thức cơ bản cho người dùng thông qua các chiến dịch truyền tải thông điệp về an toàn khi sử dụng thang máy và thang cuốn.

Ở góc độ ngành công nghiệp thang máy, Schindler Ahead là giải pháp quản lý vận hành thang máy, thang cuốn trên nền tảng IoT đầu tiên tại Việt Nam, giúp công ty và khách hàng dễ dàng quản lý và theo dõi tình trạng thang mọi lúc mọi nơi.

Điều này giúp nâng cao hiệu quả vận hành và tính an toàn cho thang máy, đồng thời giúp đem lại những tiêu chuẩn an toàn về thang máy cao hơn cho khách hàng và toàn ngành. Trên hết, ứng dụng giúp khách hàng có được trải nghiệm di chuyển nhanh chóng, an toàn hơn, đồng thời tăng cường sự minh bạch, tính kết nối cho người sử dụng.

Xin cám ơn ông!