Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus 2019-nCoV gây ra ở Vũ Hán (Trung Quốc) vẫn đang phát triển mạnh và có nguy cơ tạo ra đại dịch toàn cầu. Trong lúc này hãy cùng đọc thêm ý kiến của các chuyên gia để biết thêm kiến thức cơ bản về 2019-nCoV, qua đó chúng ta có thể chủ động cập nhật và tìm hiểu thông tin dịch bệnh.

zb1-virus-corona-vu-han-la-gi-vi-rut-corona-la-gi-2019-ncov-va-cach-phong-tranh.jpg

Trong ảnh là hình minh họa 2019-nCoV dưới kính hiển vi.

Virus Corona Vũ Hán là gì? 2019-nCoV là gì?

Nguồn tổng hợp: Facebook BS Trần Văn Phúc, Wikipedia.

Virus Corona mới đang gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp ở Vũ Hán có tên gọi đầy đủ là "novel coronavirus 2019", với chữ novel nghĩa là mới. Tên ký hiệu của virus này là 2019-nCoV, trước đó cũng có những virus nguy hiểm cùng nhóm như MERS-CoV và SARS-CoV.

Coronavirus là một nhóm virus lớn tồn tại trong tự nhiên. Tên "coronavirus" có nguồn gốc từ tiếng Latin "corona", có nghĩa là vương miện hoặc hào quang, và đề cập đến sự xuất hiện đặc trưng của virion dưới kính hiển vi điện tử với một rìa lớn, tạo thành một hình ảnh như vương miện hoặc quầng sáng mặt trời. Đây là virus có bộ gen là ARN đơn chuỗi, được chia thành 4 chi gồm alpha, beta, gamma và delta.

Trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán, có tổng cộng 6 loại coronavirus có thể lây nhiễm ở người. 4 virus rất dễ lây nhiễm nhưng gây bệnh tương đối nhẹ gồm: HCoV-229E (vật chủ ban đầu là dơi), HCoV-OC43 (vật chủ là gia súc), HCoV-NL63 (vật chủ là dơi và cầy hương), và HCoV-HKU1 (vật chủ là chuột).

Trong khi đó 2 virus không dễ lây nhưng gây bệnh rất nặng đó là SARS-CoV (vật chủ là dơi và cầy hương) và MERS-CoV (vật chủ là lạc đà) từng gây ra các đợt dịch nghiêm trọng trước đây. 2019-nCoV là loại virus Corona mới nhất.

Virus gây viêm phổi Vũ Hán 2019n-CoV được các nhà khoa học Trung Quốc xác định ngày 6/1/2020, thuộc chi beta coronavirus. Hiện nay, 2019-nCoV vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu thêm về nguồn gốc, phương thức truyền nhiễm, đường lây chuyền, phương thức chẩn đoán và điều trị.

Nhưng từ nghiên cứu 41 bệnh nhân cho đến nghiên cứu 99 bệnh nhân bị viêm phổi do 2019-nCoV đã công bố trên tạp chí danh tiếng The Lancet, cho thấy 2019-nCoV có các triệu chứng lâm sàng của các bệnh hô hấp tương tự như SARS, không nên đánh giá thấp tỷ lệ tử vong như nhận định ban đầu.

Đáng chú ý theo nghiên cứu trước đây về các tính chất vật lý và hóa học của coronavirus như SARS và MERS, bao gồm cả 2019-nCoV, thì coronavirus rất nhạy cảm với nhiệt, bị bất hoạt và tiêu diệt 30 phút ở 56°C, ether, ethanol 75% (cồn sát trùng), thuốc khử trùng chứa clo, axit peracetic và các dung môi lipid như chloroform, cùng chlorhexidine (chlorhexidine).

3 cách lây truyền virus gồm: 1/- Lây nhiễm qua giọt nước bọt, do hắt hơi, ho, tiếp xúc gần khi nói chuyện… virus từ các giọt nước bọt xâm nhập qua niêm mạc mũi, miệng hoặc mắt; 2/- Lây qua tiếp xúc, như chạm vào miệng, mũi, mắt của người bệnh rồi sau đó lại đụng chạm vào mũi, miệng hoặc mắt của mình; 3/- Lây truyền qua không khí. 2019-nCoV có thể lây truyền theo cả 3 con đường trên.

Đến nay, 2019-nCoV đã được xác nhận lây truyền từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Người cao tuổi, người suy giảm hệ thống miễn dịch đặc biệt do các bệnh mãn tính, cần chú ý tự bảo vệ bản thân. Những người trẻ tuổi hiếm khi bị bệnh nhưng cũng nên có biện pháp bảo vệ.

Và cần phải nhấn mạnh rằng đối với những người mắc bệnh cấp và mãn tính gây suy giảm hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, thì 2019-nCoV thực sự là mối đe dọa. Theo công bố từ The Lancet, 72% người nhiễm bệnh trên 40 tuổi và 64% nam giới mắc bệnh, 40% người nhiễm bệnh mắc các bệnh khác như tiểu đường và cao huyết áp.