Với một thị trường tiềm năng như Việt Nam, các nhãn hàng đang đổ tiền mạnh vào kênh quảng cáo online. Theo bà Oanh Vũ, CEO Omega media (công ty performance marketing - quảng cáo dựa trên hiệu suất), năm 2018 các thương hiệu chi khoảng 30% tổng kinh phí marketing vào kênh này. Trong khi đó, vài năm trước chi phí cho quảng cáo online chỉ chiếm 3-5%.

Trong buổi hội thảo Performance marketing: Apps century & Driving ROI diễn ra vào chiều 26/8/2019 tại TP.HCM, bà Julie Nguyễn, đại diện của VN Ngày nay, một công ty truyền thông về lĩnh vực quảng cáo đa phương tiện, cho biết trí tuệ nhân tạo (AI) đang được các công ty sử dụng để quảng cáo online. Với công nghệ này, nhà tiếp thị sẽ có thể nắm bắt được hành vi người dùng, qua đó tối ưu nội dung, đánh đúng vào tâm lý người dùng. 

Một quảng cáo sản phẩm điện thoại nhắm đúng vào người dùng yêu thích sản phẩm công nghệ. Ảnh: H.Đ

Ví dụ: nếu người dùng Internet thường xuyên đọc hay tìm kiếm những tin tức liên quan đến giảm cân, làm đẹp thì ngay lập tức trí tuệ nhân tạo AI sẽ ghi nhận và chọn lọc những dịch vụ, sản phẩm liên quan đến lĩnh vực này để quảng cáo đến người dùng. 

Ngoài ra, theo nghiên cứu thị trường, người dùng Việt khá dễ tính và thích thử cái mới. Vì thế, lượng tải ứng dụng của người Việt cao, nhưng doanh số lại cực thấp. Vì hầu như người dùng Việt chỉ thích ứng dụng không tốn phí (free) và ít nạp tiền cho ứng dụng.

Trung bình một người dùng có thể tải 29-30 ứng dụng/tháng, nhưng nếu không hấp dẫn thì người dùng sẵn sàng gỡ bỏ khỏi smartphone của mình. Hơn nữa rất nhiều ứng dụng hay game có lượt tải cao nhưng sau đó người dùng không sử dụng hay chỉ tiền cho các dịch vụ đó cũng khiến các nhà quảng cáo đau đầu.

Chính vì thế, các nhãn hàng, ứng dụng phải liên tục đổi mới để giữ chân và kích thích khách hàng sử dụng. Đơn cử như ứng dụng mua sắm trực tuyến Shopee phải thường xuyên giảm giá, miễn phí ship… để thu hút người dùng. Hay ví Momo áp dụng các chương trình giảm giá, tích điểm khi thanh toán qua ứng dụng...

Người Việt dành nhiều thời gian online cho giải trí

Theo bà Julie, 72% dân số Việt Nam sử dụng smartphone. Đặc biệt, tại Việt Nam rất nhiều người sở hữu từ 2 điện thoại đi động trở lên. Trung bình mỗi người sử dụng 1,7 chiếc smartphone. Vì vậy việc nghiên cứu hành vi người dùng trên hai smartphone cũng khác nhau. 

Đáng chú ý là người dùng mobile sử dụng trung  bình 3 giờ online trên smartphone để chat (91%), chơi game (84%), xem các nội dung giải trí (95%).

Theo bà Julie Nguyễn cho biết, trước đây, đa số người dùng online để đọc báo, tin tức. Tuy nhiên, khi hạ tầng Internet tốt hơn, các dịch vụ giải trí tốt hơn thì thời gian online cũng phân bổ cho các hoạt động giải trí nhiều hơn, chiếm 70% thời gian online (trung bình 2 giờ mỗi ngày).

Ngoài ra, người dùng ngày càng quan tâm và có hành vi mua sắm trực tuyến. Theo nghiên cứu hành vi người dùng tổng hợp từ nhiều nguồn, bà Julie Nguyễn cho biết, hiện nay hơn 70% người dùng smartphone thực hiện hành vi mua sắm online. 

Bên cạnh đó, mảng Internet Banking cũng đang tăng trưởng mạnh. Do đặc thù bảo mật, trước đây rất ít người sử dụng dịch vụ này. Tuy nhiên với sự phát triển của Internet, cũng như sự ra đời của các ví điện tử… người dùng đang ngày càng tiếp cận dịch vụ Internet Banking.